NHỮNG KỸ NĂNG TRẺ CẦN CÓ TRƯỚC KHI VÀO LỚP 1 (Phần 2)

Tiếp nối Phần 1, BEEs chia sẻ đến các bố mẹ Phần 2 với 2 nhóm kỹ năng quan trọng cần trang bị cho trẻ trước khi vào lớp 1: Nhóm kỹ năng cảm xúc và Nhóm kỹ năng xã hội.

🏆 NHÓM KỸ NĂNG CẢM XÚC

Cảm xúc là một phương diện phát triển ở trẻ em vốn không được quan tâm một cách đúng cách và đầy đủ. Trong một thời gian rất dài cùng đứa trẻ lớn lên, người lớn (bố mẹ, cô giáo và những người xung quanh) thường bị đánh lạc hướng bởi những biểu hiện cảm xúc mà quên đi mất rằng phía sau của những biểu hiện cảm xúc đó là những vấn đề quan trọng cần được giải quyết triệt để.

Các cảm xúc của trẻ sinh ra do sự rối loạn về các điều kiện đáp ứng nhu cầu tính khí và sinh lý bẩm sinh. Mỗi một đứa trẻ mang những đặc điểm tính khí, sinh lý khác nhau, tốc độ phát triển và khuynh hướng phát triển khác nhau. Nhưng do thiếu sự hiểu biết sâu sắc về trẻ, nhiều phụ huynh, và thậm chí là cả các giáo viên có khuynh hướng đổ đồng và dùng một cách tiếp cận giống nhau cho rất nhiều đứa trẻ khác nhau. Việc tiếp cận sai cách đối với mỗi một cá thể trẻ em đặc thù dẫn đến việc tạo ra những ức chế mang tính tích lũy, gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển cảm xúc lành mạnh của trẻ. Ngược lại, với mỗi đứa trẻ được tiếp cận đúng với nhu cầu và khuynh hướng của chúng, chúng trở nên ổn định, thoải mái và dần dần hình thành những kỹ năng cảm xúc và trí tuệ cảm xúc, những kỹ năng này sẽ thật sự phát huy tác dụng mạnh mẽ của nó khi trẻ bắt đầu hoàn thành hết giai đoạn mầm non để bước vào lớp 1.

🌱 Lòng tự tin

Lòng tự tin là yếu tố quan trọng mang tính quyết định đối với quá trình học tập đầy thách thức bắt đầu từ tiểu học cũng như các mối quan hệ và cách thức tương tác xã hội trong môi trường rộng hơn, và không gần gũi như giai đoạn 6 năm đầu đời. Có lòng tự tin, trẻ dễ dàng thể hiện bản thân và học hỏi một cách mạnh dạn, hiệu quả. Đồng thời, lòng tự tin sẽ giúp cho trẻ vượt qua các thách thức mới tốt hơn, và giải quyết tốt hơn các vấn đề phát sinh trong quá trình học tập và trưởng thành.

🌱 Trí tưởng tượng

Trí tưởng tượng có tầm quan trọng đặc biệt đối với quá trình học hỏi và ứng dụng thực tiễn các kỹ năng và kiến thức được trang bị trong nhà trường. Những đứa trẻ có trí tưởng tượng phong phú thường dễ dàng có những kỹ năng tư duy kết nối mạch lạc, sáng tạo và khác biệt.Trí tưởng tượng chính là cây cầu nối những gì trẻ đã biết với những thử nghiệm thực tế phong phú và giúp cho trẻ liên tục thử, sai, đưa ra giả thuyết, thử lại và phân tích, tổng hợp trên những dữ liệu thu thập được. Trí tưởng tượng đồng thời sẽ giúp trẻ có năng lực thể hiện tốt hơn bằng ngôn ngữ và hình ảnh, và cao hơn nữa là thể hiện thông qua việc phối hợp các kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết). Khi các kiến thức được áp dụng trên nền tảng trí tưởng tượng phong phú, nó sẽ giúp tăng hiệu quả ghi nhớ và ứng dụng, giúp học sinh giảm thiểu thời gian luyện tập mà vẫn đạt được mục tiêu học tập một cách tốt nhất.

🌱 Niềm vui học

Niềm vui học cũng là một yếu tố xúc cảm để thúc đẩy quá trình kiến tạo kiến thức và rèn luyện kỹ năng từ lớp 1. Hãy tưởng tượng xem nếu bạn học một thứ gì đó mà không cảm thấy vui và thích, thì việc học sẽ nặng nề và khó khăn đến mức nào. Đa phần chúng ta sau 30 tuổi, sẽ không học được tốt nữa, vì khi ấy chúng ta không còn tìm thấy niềm vui trong việc học. Và những đứa trẻ thì còn hơn cả như thế. Chỉ khi chúng được cảm thấy phấn khích, cảm thấy vui và hạnh phúc, thì lúc ấy việc học mới thật sự dễ dàng và đi vào đúng bản chất của nó.

Chương trình học phổ thông của Việt Nam được đánh giá là nặng so với thế giới về mặt kiến thức, để đảm bảo rằng những kiến thức đó đọng lại được trong tư duy, nhận thức và trí nhớ của đứa trẻ thì việc tạo ra niềm vui học là một điều nên tính đến, để giảm bớt sức ép của việc học và tăng hiệu quả học tập cho từng học sinh. Niềm vui học sẽ tạo ra động lực để mỗi đứa trẻ tự đi về phía trước, tự nghiên cứu và tìm tòi, tự phát triển bản thân mình xa hơn cả giới hạn chương trình giáo dục phổ thông.

🏆 NHÓM KỸ NĂNG XÃ HỘI

Kỹ năng xã hội là nền tảng vững chắc để trẻ có thể thích nghi với môi trường xã hội rộng lớn và tìm cách định vị bản thân cũng như tự tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề cá nhân của mình. Nếu các nhóm kỹ năng tư duy, kỹ năng cảm xúc là cánh cửa để trẻ tự khám phá và khai thác năng lực của bản thân mình thì nhóm kỹ năng xã hội là cánh cửa để trẻ chinh phục các mối quan hệ xã hội và giúp trẻ định vị bản thân mình một cách tích cực trong môi trường tiểu học. Sự định vị bản thân tích cực sẽ giúp cho trẻ có cảm giác hòa nhập, thoải mái, và được chấp nhận với tất cả những sự đặc biệt của bản thân. Điều này ngược lại lại có tác động gia tăng thêm lòng tự tin và hiệu quả học tập cho trẻ.

Để có thể bắt đầu lớp 1 thành công, mỗi đứa trẻ đều cần được chuẩn bị đầy đủ:

✔️ Khả năng làm theo hướng dẫn

✔️ Khả năng tập trung

✔️ Khả năng chờ lượt

✔️ Khả năng tự chủ và tự kiểm soát bản thân

✔️ Khả năng giải quyết vấn đề bằng ngôn từ hơn là bạo lực

✔️ Khả năng làm việc độc lập

✔️ Khả năng làm việc tốt trong nhóm

✔️ Các kỹ năng xã hội phù hợp với lứa tuổi và khả năng kết bạn

✔️ Kỹ năng giao tiếp với bạn đồng lứa

✔️ Kỹ năng giao tiếp với người lớn

Ngoài ra còn có một số kỹ năng xã hội quan trọng mà mọi đứa trẻ cần có để bắt đầu chặng đường tiểu học một cách thoải mái và thành công.

🌱 Tinh thần trách nhiệm

Tinh thần trách nhiệm được xây dựng từ những hoạt động sống hàng ngày của trẻ, đơn giản như có trách nhiệm tự chăm sóc bản thân, ý thức sạch sẽ gọn gàng sau khi chơi, trách nhiệm với cơ thể và sự an toàn của bản thân, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội, trách nhiệm tuân thủ quy định và nội quy của tập thể. Tinh thần trách nhiệm giúp trẻ hòa nhập dễ dàng hơn vào môi trường lớp học với tư cách một cá nhân độc lập và ý thức được vai trò của bản thân đối với việc xây dựng một tập thể tích cực, kỷ luật, vui vẻ và sẻ chia.

🌱 Biết chấp nhận và dung hòa sự khác biệt của bản thân và người khác.

Có rất nhiều đứa trẻ sợ hãi sự khác biệt của chính bản thân mình, điều đó kéo chúng vào sâu hơn trong căn nhà vỏ ốc, và vô hình chung khiến đứa trẻ ngày càng mất tự tin. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy sắc màu, và mỗi con người đặc biệt đóng góp thêm một sắc màu đặc biệt cho thế giới rực rỡ ấy. Ý thức về sự khác biệt tích cực của bản thân là một trong những ý thức xã hội quan trọng của những công dân toàn cầu. Bởi vậy trong suốt quá trình 6 năm đầu đời, mỗi đứa trẻ cần được hỗ trợ để học cách yêu quý cơ thể của mình, trân trọng những sự khác biệt về tính cách, suy nghĩ và nhận định của bản thân một cách tích cực.

Khi ý thức này được duy trì trong một thời gian đủ dài, trẻ sẽ phát triển được thói quen chấp nhận và dung hòa sự khác biệt của bản thân và người khác. Tuy nhiên, những đứa trẻ càng đặc biệt càng cảm thấy mình khó hòa nhập vào môi trường xung quanh bởi chúng tự nhận thấy mình quá khác so với chúng bạn. Chúng suy nghĩ nhanh hơn hoặc chậm hơn, dễ mất tập trung hơn hoặc có nhu cầu thể hiện bản thân mạnh hơn, chúng bày ra nhiều trò nghịch ngợm hơn vừa để giải tỏa năng lượng, giải tỏa ham muốn tìm tòi, vừa để gây sự chú ý với những người khác, chúng thách thức nhiều hơn và gặp trở ngại nhiều hơn, chúng dễ bị tổn thương hoặc dễ thay đổi hơn.

Thông thường, chúng ta có khuynh hướng so sánh với những người khác và chỉ thực sự cảm thấy thoải mái khi người khác có điểm không bằng mình. Tuy nhiên khuynh hướng so sánh này khiến cho những đứa trẻ mất tự tin vào những sự khác biệt của bản thân, và bởi vậy không tận hưởng được chuyến du hành khôn lớn của chính mình. Và thông thường thì sự khác biệt luôn là chỉ báo của những điều đặc biệt, những thứ cần có sự chú ý hoặc can thiệp từ phía bên ngoài. Khi đứa trẻ biết chấp nhận và dung hòa sự khác biệt của bản thân, thế giới của chúng sẽ trở nên hài hòa giữa nhu cầu và khuynh hướng, giữa vấn đề và giải pháp, và chúng có cách để tự giải quyết các vấn đề găp phải một cách dễ dàng hơn.

Chấp nhận sự khác biệt của bản thân và tôn trọng sự khác biệt của người khác là chìa khóa để mọi đứa trẻ bước ra thế giới, một cách độc lập và linh hoạt.Tinh thần trách nhiệm được xây dựng từ những hoạt động sống hàng ngày của trẻ, đơn giản như có trách nhiệm tự chăm sóc bản thân, ý thức sạch sẽ gọn gàng sau khi chơi, trách nhiệm với cơ thể và sự an toàn của bản thân, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội, trách nhiệm tuân thủ quy định và nội quy của tập thể.

Tinh thần trách nhiệm giúp trẻ hòa nhập dễ dàng hơn vào môi trường lớp học với tư cách một cá nhân độc lập và ý thức được vai trò của bản thân đối với việc xây dựng một tập thể tích cực, kỷ luật, vui vẻ và sẻ chia.Vào tiểu học không chỉ đơn thuần là một mốc phát triển mà mọi đứa trẻ đi qua. Đó là một ngọn núi nhỏ cần được chinh phục với đầy đủ các kỹ năng tích lũy, đồng thời ngọn núi nhỏ ấy sẽ mang đến thêm những cơ hội trưởng thành mới, chuẩn bị cho cuộc chinh phục những dãy núi cao hơn. Hành trình sẽ chỉ vui vẻ, thành công và tràn đầy mộng ước nếu những đứa trẻ thật sự tin vào chính chúng và tận hưởng quãng đường của riêng mình, chứ không phải bước đi trên những mong muốn, nguyện vọng và khuynh hướng không phải của chúng.

HẾT.

Bố mẹ theo dõi Phần 1 tại: https://bees.edu.vn/nhung-ky-nang-tre-can-co-truoc-khi-vao-lop-1-phan-1-2/

Tác giả: Ths. Ngô Thanh Giang – Nhà sáng lập, TGĐ điều hành Hệ thống mầm non BEEs’ Education

ĐĂNG KÍ NHẬN TIN

Các bài viết từ chuyên gia, sự kiện sắp diễn ra, kiến thức làm cha mẹ...