Như thế nào là một trường học tốt và xứng đáng với con của bạn

Mấy ngày nay đọc những dòng trăn trở của những người mẹ khắp nơi, tôi bỗng muốn viết một vài điều gì đó để giúp cho các mẹ. Có những phụ huynh từ rất nhiều tỉnh thành nhắn tin nhờ giúp đỡ để tìm được một ngôi trường tốt cho con, bởi vì tất cả họ đều hoang mang, họ đã sẵn sàng để cho con rời khỏi mình và bắt đầu những bước chân độc lập đầu tiên, nhưng nơi nào, sẽ là nơi cổ vũ những bước chân bé nhỏ độc lập ấy, nơi nào sẽ khiến chúng trở nên rụt rè, sợ hãi. Tôi không biết tên của các trường cụ thể, tôi chỉ biết rằng, với cảm nhận của một người đã từng làm việc với trẻ con nhiều năm, có một vài điều tôi có thể chia sẻ về một trường học tốt. Vậy, hi vọng rằng note này sẽ giúp đỡ được các mẹ, để tìm ra những ngôi trường thực sự xứng-đáng-với-con-mình.

Trong nhiều năm làm giáo dục, chúng tôi đón tiếp rất nhiều phụ huynh tìm đến trường với nước mắt âng ấng quanh mi của họ. Họ mang tới những đứa trẻ không nói chuyện, không tương tác, không dừng lại,… và kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện khác nhau về trường học chúng đã trải qua. Có những thứ khi đã trôi qua sẽ không còn có thể lấy được trở lại nữa, có những vết thương dẫu đã hết đau nhưng sẽ để lại những vết sẹo mãi mãi trong trái tim đứa trẻ, có những vết thương hở, có những vết thương kín, sinh ra từ một trường-học-không-phải-là-trường-học. Cho nên, lựa chọn trường cho con là một quyết định vô cùng quan trọng, nó giống như một ngã rẽ một chiều. Việc của các bạn, với tư cách là những người mẹ, người cha, là đảm bảo rằng ngả rẽ ấy sẽ có thật nhiều ánh sáng, niềm vui,
những khám phá và những điều ngạc nhiên.

Vậy, câu hỏi đầu tiên: “Bạn quyết định cho con đi học vì lý do gì?”

Tuyệt đại đa số các ông bố bà mẹ trên thế giới này cho con đến trường không phải vì họ không có người giúp việc. Cũng giống như các bạn, họ quyết định đưa con đến trường là để những người chuyên gia tại trường học sẽ làm cho bé những điều bạn không thể (hoặc không có đủ thời gian và điều kiện) để làm. Và cho con đến trường là một quyết định vô cùng can đảm, tặng cho con “tự do để lớn lên độc lập”, và tự bố và mẹ cũng học cách sống phần đời “ngoài con”. Quyết định cho con đến trường, là thời khắc cả mẹ và cả con bắt đầu học cách độc lập theo những cách khác nhau. Điều này rất quan trọng, bởi nó sẽ quyết định thời gian và độ căng thẳng trong quá trình thích nghi của bé vào thời gian đầu thay đổi môi trường – chúng ta sẽ bàn đến điều này trong một note khác.

Vậy, bạn quyết định cho con đi học là bởi vì bạn muốn con lớn lên, là bởi bạn biết, vòng tay của mẹ không đủ cho tất cả những gì con cần để sống cuộc đời của chúng. Vậy thì, có một vài điều mà mọi đứa trẻ đều xứng đáng có được, và cũng là những mục tiêu bố mẹ cần cân nhắc khi chọn trường cho con, đó là:

(1) Con sẽ an toàn, dù là ở trường hay ở trong vòng tay bố mẹ

(2) Con sẽ được yêu, như cái cách bố mẹ yêu thương và tôn trọng con

(3) Con sẽ học được những điều mới lạ, mỗi ngày một hiểu biết và thông minh hơn

(4) Con sẽ trưởng thành và lớn lên mạnh mẽ

(5) Con sẽ được bộc lộ và khai thác những tiềm năng của mình.

(6) và cho một tầm nhìn dài hơi hơn, con sẽ cần phải được đặt nền tảng và
chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để thành công khi bước ra xã hội

Mỗi một điều trên sẽ có những tiêu chí cụ thể mà bạn cần tìm hiểu và xác định chi tiết dựa trên những thông tin bạn thu thập được mỗi lần đến tham quan, trò chuyện và tương tác với những người làm việc trực tiếp tại mỗi trường học (người quản lý, giáo viên, người tạp vụ…) và cuối cùng hãy tính điểm cho từng trường, bạn sẽ biết ngôi trường nào có thể xứng đáng với đứa trẻ mật ngọt của mình 🙂

(1) An toàn:

Cơ sở vật chất: hãy nhìn tổng quan cơ sở vật chất của trường nơi bạn đến, và những nơi có thể có nguy cơ. Có một vài lưu ý mà bạn cần chú ý như: balcony có lưới an toàn hay không, các chấn song nằm ngang hay dọc (thường trong trường học sẽ chú ý đến việc này, nếu lan can có chấn song
nằm ngang thì trẻ rất dễ trèo lên cao do bản tính hiếu động), các bậc cầu thang có vừa đủ thấp cho trẻ bước đi một cách dễ dàng? Khu vực cửa thoát hiểm có được kiểm soát nghiêm ngặt?…

Các hộp y tế có được đặt ở những nơi dễ tiếp cận? Giáo viên có được đào tạo bài bản về kỹ năng phản ứng khi có sự cố bất ngờ? Các kỹ năng sơ cấp cứu tối thiểu cần biết đối với từng giáo viên, bảo mẫu? Cách giáo viên bảo mẫu sẽ kiểm soát tình huống khi có tai nạn xảy ra. Cách các cô giáo sẽ dạy cho trẻ ý thức về sự an toàn như thế nào?

Hãy đặt những câu hỏi với người quản lý về sự tiếp cận và quy trình kiểm soát người lạ ra vào trong
trường, để có thể đánh giá được về tầm nhìn của những người quản lý một ngôi trường.

Bên cạnh đó, các bạn cũng sẽ cần nắm được các thông tin về quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của trường liên quan đến các loại thực phẩm do trẻ mang tới lớp.

Chúng ta đang nói đến vấn đề An toàn trong trường mầm non, tuy nhiên, mọi người lớn đều cần hiểu rằng, đối với một đứa trẻ, không có gì là tuyệt đối. Đôi khi tai nạn vẫn có thể xảy ra trong trường, trong khi học, khi tương tác giữa các bé với nhau, do đó, những điều kiện về CSVC an toàn là cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là kỹ năng xử lý vấn đề và kiểm soát tình huống hiệu quả của giáo viên. Và để đánh giá được sự chuẩn bị tốt về cả CSVC và con người, thì rõ ràng bản thân cha mẹ cũng cần phải nắm chắc các kỹ năng sơ cứu nhi ban đầu, để tự mình cũng có thể đảm bảo an toàn cho con những lúc trẻ chơi nghịch ở nhà.

(2) Tình yêu

Mỗi đứa trẻ đều cần và xứng đáng được nhận tình yêu thương ở bất cứ nơi nào chúng tới. Tình yêu thương giống như một cánh cổng đẹp dẫn con đến với một thế giới bao la, rộng mở và đầy ắp các cơ hội khám phá, thể hiện bản thân. Tình yêu sẽ lau sạch nước mắt bỡ ngỡ của một đứa trẻ, giúp con trở nên sẵn sàng, mạnh dạn và đầy tự tin. Vậy, khi tới một trường học, thăm một giờ học của các con, hãy chú ý đến những điều sau:

Gương mặt của người quản lý và giáo viên trong trường: bạn thấy gì trong đôi mắt họ, họ đón tiếp bạn một cách lịch sự và đúng mực hay quá vồn vã và khéo léo?

Khi lên thăm lớp, bạn hãy lưu ý một vài điều, không nên bước vào lớp bởi bạn sẽ gây ra sự cản trở đối với mọi hoạt động đang diễn ra trong lớp. Hãy đứng ngoài và nhanh chóng quan sát tương tác giữa trẻ và những người lớn trong lớp? Cô giáo đứng và nói chuyện với trẻ theo kiểu baby talk hay ngồi xuống và tương tác gần với trẻ? Gương mặt của cô thể hiện điều gì? Có nụ cười khi giao tiếp với trẻ hay không? Trẻ con trong lớp có vui vẻ đáp ứng các tương tác của giáo viên hay không? Sự hoạt bát và nhanh nhẹn của trẻ như thế nào? Hãy đánh giá cao một lớp học “như bầy ong vỡ tổ”, đứa trẻ nào cũng có ý kiến và những điều chúng quan tâm, hãy bỏ qua những lớp học gọn gàng khi trẻ phải ngồi yên một chỗ và giữ không khí yên lặng. Sự yên tĩnh là một điểm trừ của một trường mầm non, nó nói cho bạn biết những đứa trẻ ở đó không được sống đúng với bản năng trẻ con của chúng, điều đó có nghĩa là quá trình phát triển não bộ sẽ bị cản trở, và một chiếc vòng kim cô sẽ sẵn sàng đặt lên đầu bé để kiểm soát sự hiếu động đặc trưng.

Hãy dành thời gian nói chuyện với người quản lý cao nhất của trường để tìm hiểu xem họ am hiểu việc mình làm đến đâu, tâm huyết của họ dành cho công việc này là gì, và những giá trị mà họ có, bởi vì họ chính là những người tạo ra giá trị về tình yêu cho ngôi trường.

Hãy dành chút thời gian ngắm nhìn cách ngôi trường trưng bày sản phẩm của trẻ, bởi nó thể hiện sự chi tiết, tỉ mỉ của toàn bộ giáo viên nhân viên trong trường đối với sản phẩm của những đứa trẻ mà họ yêu thương.

(3) Học

Điều tuyệt vời nhất trên đời mà một trường học tốt mang đến cho con bạn đó là niềm vui khi học, và cách con bạn trở nên hiểu biết hơn từ môi trường đó. Hãy chú ý đến những điều sau đây:

Chương trình học: Hãy yêu cầu được giới thiệu kỹ lưỡng về chương trình học cho con bạn, bởi đó là tập hợp những hoạt động sẽ giúp kiện toàn quá trình phát triển trí tuệ thông minh, trí tuệ xúc cảm, trí tuệ sáng tạo của con bạn. Hãy yêu cầu được giải thích về ích lợi của một số hoạt động bất kỳ đối với sự phát triển lành mạnh nhất của trẻ đang theo học trong chương trình. Một chương trình học tốt sẽ giúp trẻ phối hợp đa kỹ năng, và kích thích trẻ tìm tòi, sáng tạo và thể hiện theo cách riêng của mình.

Phương pháp: Tự bản thân bạn trước khi chọn trường cần phải nắm rõ được mục đích phát triển mà bạn muốn con mình đạt tới, đừng bị hoa mắt bởi những lời quảng cáo về phương pháp này phương pháp nọ. Hãy yêu cầu người quản lý chuyên môn của trường nói cho bạn biết ích lợi của phương pháp ứng dụng trong trường, và hãy đảm bảo rằng nó phù hợp với tầm nhìn bạn muốn cho 18 năm sau của con trong một xã hội đặc thù nữa.

Sản phẩm: các sản phẩm của trẻ được trưng bày sẽ cho bạn thấy chất lượng của việc học. sự đầu tư của trường đối với các giờ học thông qua việc cung cấp nguyên liệu đa dạng giúp trẻ phối hợp sử dụng cũng như thể hiện ý tưởng của bản thân.

(4) Trải nghiệm để trưởng thành

Bạn phải thừa nhận một điều rằng, bạn không thể và không có thời gian để ở bên con mãi mãi. Do vậy, tìm trường cho con học, là bạn tìm nơi để cho con trải nghiệm để trưởng thành. Con sẽ có 9 tiếng một ngày xa rời bạn, 9 tiếng ấy sẽ dạy cho chúng về thế giới – theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Do đó, chọn trường là một quyết định hệ trọng. Hãy đảm bảo rằng lựa chọn của bạn là đúng.

Đứa trẻ bước vào cuộc sống với năm chiếc cửa sổ, và nhiệm vụ của chúng là mở những cánh cửa sổ ấy ra để đón chào thế giới. Những hoạt động của trẻ tại trường – dù là giờ học, giờ ăn, giờ chơi – càng tự do, càng thoải mái, thì càng có nhiều ánh sáng và sức sống rọi vào những ô cửa nhỏ ấy. Người ta gọi đó là trải nghiệm. Và đáp lại những trải nghiệm, mỗi đứa trẻ lại có một cách khác nhau để phản ứng tiếp nhận và thể hiện bản thân mình. Vậy, khi bạn tới thăm một trường mầm non, hãy chú ý quan sát những điều sau đây:

Sự thể hiện xã hội của những đứa trẻ trong trường học: chúng có thân thiện và lễ phép với bạn không? Chúng có ùa ra ôm lấy cô giáo, người quản lý, hay tìm mọi cách ngộ nghĩnh để gọi sự chú ý của người lớn không? Gương mặt của số đông học sinh nói cho bạn biết điều gì? Chúng đang tương tác giao tiếp với nhau như thế nào?

Sự độc lập: Hãy lưu ý một vài thao tác độc lập đơn giản của trẻ. Nếu bạn đến vào giờ ăn, chúng có tự xúc cơm ăn và chăm chú với bữa cơm của mình? Nếu bạn đến vào giờ học, hãy lắng nghe xem những đứa trẻ có tự nói ra ý kiến của chúng? Khi làm đổ cơm hay đổ sữa, chúng có ý thức tự lau bàn/sàn theo giới hạn của mình không?

Kỹ năng giải quyết vấn đề: Khi xảy ra tranh chấp, những đứa trẻ ở ngôi trường bạn đến có biết nói Không một cách rõ ràng và quả quyết khi chúng chưa sẵn sàng chia sẻ? Khi một đứa trẻ ăn vạ vì không tranh được đồ chơi, cách giải quyết của cô giáo như thế nào?

Những tiếng ồn ào vui vẻ: Lũ trẻ con giống như một bầy ong vỡ tổ, bạn hãy lắng nghe tiếng ồn ào trong ngôi trường bạn đến. Có tiếng ồn không? Những tiếng ồn ấy có vui vẻ không? Có tiếng khóc không? Có nhiều tiếng khóc không?

Chỉ có những môi trường học tích cực mới mang đến những trải nghiệm tích cực. Tuy nhiên, đôi khi những gì bạn nhìn thấy chưa hẳn đã là những gì đang thật sự diễn ra. Đôi khi vì bạn chỉ là một phụ huynh, nên bạn vẫn có thể bị nhầm lẫn do bạn có những phản ứng cảm xúc qua bộ lọc cá nhân. Nhưng đừng ngại ngần, nếu bạn thấy có điều gì không ổn, hãy đặt câu hỏi để biết “người trong cuộc” nói gì. Và đương nhiên, bạn sẽ có những đánh giá sau cừng, nhưng ít nhất hãy nghe bằng cả hai tai trước.

Và thật đáng buồn là cũng có những trải nghiệm tiêu cực và khủng khiếp mà có thể bạn không thể nhìn thấy tận mắt. Nhưng bạn biết gì không, mọi thể hiện trên đứa trẻ sẽ nói cho bạn biết. Tôi sẽ trở lại vấn đề này vào phần cuối bài

(5) Tiềm năng

Chỉ có một số rất ít trường có thể nói cho bạn biết tiềm năng của con bạn là gì bởi vì việc này đòi hỏi giáo viên, quản lý cần có một kiến thức chuyên môn cực kỳ sâu sắc và rộng rãi về giáo dục, và tâm lý. Tuy nhiên sẽ có rất rất rất nhiều trường nói với bạn rằng họ sẽ biến con bạn thành thần đồng, thành những đứa trẻ siêu việt, tài năng. Vậy thì hãy đừng tin vào những lời quảng cáo, hãy để họ thuyết phục bạn về những cách họ sẽ làm con bạn trở nên đặc biệt trong điều kiện và năng lực của chính chúng. Nhưng để có thể phán đoán được đúng những giá trị cần thiết, bản thân bạn cũng cần phải (1) không chạy theo những trào lưu rầm rộ  (2) không tạo ra áp lực quá lớn cho con của mình và (3) hãy tự hỏi mình tiềm năng của con là gì, hướng đi nào sẽ đưa con đến với thế giới đầy ánh sáng?

(6) Mỗi một ngôi trường sẽ hướng con bạn đi theo những con đường khác nhau

Bởi vậy, hãy chắc chắn về những mục tiêu phát triển của con mình, và lựa chọn một ngôi trường phù hợp. Hãy đặt những câu hỏi này, cho bản thân bạn:

Hãy viết ra những mẩu sticky note những gì bạn muốn con đạt được – hãy làm theo hướng dẫn của note trước của tôi – Hoạch định con đường cho con của bạn, trước khi quyết định tìm trường cho con.

Bạn thấy những đứa trẻ cùng tuổi con mình tại ngôi trường này như thế nào? Hãy thật khách quan khi so sánh chúng với con của bạn và những gì bạn muốn cho con mình

Học ở ngôi trường này, sau 1 năm, 2 năm nữa, con bạn sẽ đạt được những gì? Và sau đó hãy trở lại và nhìn những đứa trẻ lứa tuổi đó ở thời điểm hiện tại đang có những kỹ năng gì? Điều đó đã thực sự khiến bạn cảm thấy con đường đi là đúng với những gì mình hoạch định hay chưa?

Vậy là, có hàng tá câu hỏi để giúp bạn xác định ngôi trường tốt cho con, nhưng cuối cùng, hãy tin vào trực giác của bạn về (1) những đứa trẻ tại ngôi trường bạn ghé thăm (2) những cô giáo đang trực tiếp chăm sóc dạy dỗ chúng, (3) sự am hiểu và cái tâm của người đứng đầu… Và một điều quan trọng nhất, một trường học tốt không có nghĩa là một trường học đắt tiền, cũng chưa hẳn là một trường học có nhiều đồ chơi và nhiều màu sắc. Hãy tìm ra đúng người để trao gửi con của bạn, đừng chỉ nghĩ về cơ sở vật chất của ngôi trường.

CÁC DẤU HIỆU TỔN THƯƠNG SỨC KHỎE TÂM THẦN DO MÔI TRƯỜNG CÓ TÍNH TIÊU CỰC

Sau đây là một vài thông tin mang tính học thuật để các bạn, với tư cách là những ông bố bà mẹ, nhận định đúng về dấu hiệu trẻ bị tổn thương sức khỏe tâm thần (do trẻ đang phải trải qua và tiếp nhận môi trường có tính tiêu cực)

  1. Trẻ bị rối loạn nhịp sinh hoạt trong một thời gian quá dài
    1. Trẻ gặp vấn đề về giấc ngủ: ngủ không yên giấc, dễ giật mình, khóc váng lên giữa đêm, trẻ gặp ác mộng hàng đêm trong thời gian kéo dài
    2. Rối loạn chức năng bài tiết kéo dài
    3. Rối loạn thói quen ăn uống: có những trường hợp tác động đến cảm giác ngon miệng theo hướng tăng cường hoặc giảm sút
  2. Ký ức rời rạc về sự kiện gây thương tổn sức khỏe tâm thần
  3. Trẻ không thể tập trung hoặc chú ý
  4. KHó khăn khi giao tiếp ngay cả với những người thân yêu, hoặc có xu hướng không giao lưu hướng ngoại
  5. Có những hành vi mang tính bản năng bộc phát như tè dầm, bám bố mẹ quá độ, ngậm tay
  6. Có những cơn giận dữ mang tính bạo lực
  7. Trốn tránh, từ chối những nơi, những người nhắc cho trẻ nhớ về sự kiện gây thương tổn sức khỏe tâm thần
  8. Dễ giật mình và trở nên sợ hãi
  9. Trầm uất
  10. Liên tục nảy sinh các hành vi lệch chuẩn
  11. Có một số trường hợp, bạo hành thể chất và tinh thần sẽ dẫn đến các ức chế như khiến trẻ chậm nói, hoàn toàn từ chối giao tiếp xã hội.
  12. Những biểu hiện trên đôi khi cũng là những biểu hiện vào những ngày đầu tiên trẻ đi học, do sự thay đổi môi trường và con người quá đột ngột đối với sự tiếp nhận của trẻ. Tuy nhiên nếu là do sốc thay đổi môi trường, thường những dấu hiệu này xuất hiện lẻ tẻ và sẽ nhanh chóng trôi qua sau khoảng 10 ngày liên tục tiếp nhận và làm quen với môi trường mới với sự hỗ trợ tích cực của người lớn (cha mẹ, giáo viên và chuyên gia)

Tôi cũng đọc qua rất nhiều kinh nghiệm chia sẻ trên mạng về phương pháp phát hiện con bị bạo lực, đáng tiếc rằng những lời khuyên này chưa thực sự hữu ích và mang tính cực đoan.Phụ huynh cần lưu ý rằng, bạo hành tâm lý đôi khi còn gây ra hậu quả khủng khiếp hơn rất nhiều so với bạo hành thể xác, và đại đa số trường hợp những dấu hiệu trên trẻ cần phải quan sát rất tỉ mỉ mới có thể nhận ra được. Và đôi khi trẻ cũng chỉ có một hoặc hai trong số 11 cách trên đây để chỉ báo cho chúng ta biết rằng chúng đang gặp khó khăn ở một phương diện nào đó trong cuộc sống. Không hẳn mọi nguyên nhân đều xuất phát từ trường học và cô giáo, đôi khi chỉ một nguyên nhân tưởng chừng như rất nhỏ thôi, là đột nhiên trẻ bị giảm hẳn thời gian tương tác yêu thương với bố mẹ do nhiều lý do, cũng có thể khiến cho trẻ xuất hiện các biểu hiện trên. Do đó việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh là hết sức cần thiết để nhận diện đúng vấn đề và đưa ra những điều chỉnh phù hợp và kịp thời để giữ những đứa trẻ của chúng ta khỏi những thương tổn ngầm mà chúng ta không hề hay biết.

Và nếu có thời gian, hãy tham gia cùng BEEs trong lớp học về “bảo vệ sức khỏe tâm thần cho trẻ” trong các series lớp học Hành trình làm cha mẹ, để cùng chung tay vì một cộng đồng phụ huynh tiến bộ, vì tương lai đầy ánh sáng của các bé con, bạn nhé!

Ngô Thanh Giang (M.Ed)

Sáng lập viên hệ thống trường mầm non BEEs’

Website:https://www.bees.edu.vn

Fb: https://www.facebook.com/giang.bee.1105

PS. Vui lòng dẫn link nguồn và ghi chú tên tác giả khi bạn chia sẻ bài viết. Cảm ơn các bạn!

ĐĂNG KÍ NHẬN TIN

Các bài viết từ chuyên gia, sự kiện sắp diễn ra, kiến thức làm cha mẹ...