Chapter 4: Lớn lên từ thất bại và sai lầm

Một trong những khoảnh khắc tôi yêu thích nhất trong nghề làm giáo dục là những khoảnh khắc xử lý kỷ luật với những đứa trẻ khác nhau. Đó là những khoảnh khắc tôi nhìn thấy chúng lớn lên.

Chia sẻ của Thạc Sỹ Ngô Thanh Giang

Nhà sáng lập – BEEs’Education

Một trong những khoảnh khắc tôi yêu thích nhất trong nghề làm giáo dục là những khoảnh khắc xử lý kỷ luật với những đứa trẻ khác nhau. Đó là những khoảnh khắc tôi nhìn thấy chúng lớn lên. Nhìn ngược lại cuộc sống của chính mình, tôi nhận ra một điều rằng, những bằng phẳng, những dễ dàng không làm nên những điều kỳ diệu. Không có một đứa trẻ nào biết đi mà không hề bị ngã, không có một đứa trẻ nào biết làm việc mà không làm đổ làm vỡ một thứ gì. Và càng không có đứa trẻ nào trưởng thành nếu không trải qua thất bại. Tôi cũng thế, và các bạn, những người làm cha mẹ, những người lớn khác cũng vậy, ai cũng phải học cách vượt ra khỏi thất bại, và sai lầm của chính mình để vươn về phía trước. Vậy thì vì sao chúng ta ngăn cản những đứa trẻ làm việc đó?

Sai lầm và thất bại giúp phát triển trí tuệ thông minh cho trẻ

Não bộ phát triển qua cảm giác, trải nghiệm, vận động và mọi thứ mà đứa trẻ chạm tới. Trong quá trình ấy, đứa trẻ tiếp nhận hàng loạt các thông tin và não bộ thực hiện quá trình kết nối dữ liệu theo nguyên tắc match/mismatch. Những dữ liệu match sẽ được sắp lại gần nhau, các dữ liệu mismatch sẽ được xếp sang một khu vực phụ cận. Khi các thông tin được kết nối thành đủ một mạng lưới, não bộ của trẻ sử dụng năng lực tự tổng hợp quy luật để đưa ra những phán đoán mới, và quá trình tìm kiếm thông tin, kết nối dữ liệu tiếp tục được diễn tiến. Và cứ thế, năng lực tư duy của trẻ càng ngày càng phát triển. Những đứa trẻ thông minh, là những đứa trẻ nhanh chóng kiểm soát được nguyên tắc quy luật đằng sau sự vật, hiện tượng. Bằng cách đó chúng học nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều so với những đứa trẻ khác.

Nhưng vấn đề là, để tìm được những dữ liệu match, trẻ cần phải sàng lọc từ một khối các hoạt động thử khác nhau. Chúng sẽ thử một hoạt động ở nhiều môi trường khác nhau, hoặc ngược lại thử nhiều hoạt động ở một môi trường nhất định. Đó là lý do vì sao trẻ con luôn cần một sự phản hồi có tính tích cực đồng nhất ở ngư ời lớn. Sự đồng nhất trong phản ứng sẽ tạo ra những yếu tố tin cậy để tiến hành các trò nghịch ngợm tên là thử và sai để tiếp tục tìm kiếm và làm chủ thông tin từ chính cuộc sống xung quanh mình.

Lớn lên từ thất bại và sai lầm

Sai lầm và thất bại giúp phát triển trí tuệ cảm xúc cho trẻ.

Trong suốt quá trình khám phá, một loạt các cảm xúc diễn ra với đứa trẻ, sung sướng, buồn bã, bất lực, khó chịu, tự hào, mê mải, thích thú, giận dữ,… Những cảm xúc này khi thì thôi thúc đứa trẻ tiếp tục, khi lại ngăn cản chúng và khiến chúng tự hoài nghi khả năng của bản thân mình, đặc biệt là khi gặp sai lầm.

Tất nhiên là, chẳng ai thích làm sai cả. Trẻ con cũng vậy, khi chúng đưa ra một quyết định sai lầm, khi chúng gặp thất bại, thì thứ kinh khủng đầu tiên chúng buộc phải đối mặt chính là cảm xúc của mình. Học cách làm chủ cảm xúc, biến nguồn cảm xúc thành năng lượng trí tuệ chỉ diễn ra khi đứa trẻ tìm cách hoặc được hỗ trợ vượt qua những ức chế xúc cảm của chính mình. Có nhiều người quan niệm rằng, người mạnh mẽ là người lúc nào cũng thể hiện những cảm xúc tích cực. Nhưng tôi không nghĩ vậy, người mạnh mẽ là người biết thừa nhận và đối diện với các vấn đề của chính mình và tìm cách vượt lên khỏi các vấn đề đó. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ giai đoạn 0-6 tuổi là giai đoạn thích hợp nhất để giúp trẻ học cách làm bạn với sai lầm và tiếp nhận thất bại như một nguồn động lực để phát triển suy nghĩ, hình thành kỹ năng và khởi nguồn cho trí tuệ xúc cảm kỳ diệu.

Bạn sợ con ngã thì đau. Nhưng không ngã thì đứa trẻ không thể tự hiểu thế nào là vận động đúng, thế nào là tốc độ phù hợp, thế nào là thận trọng và thế nào là đau. Bạn sợ con bị các bạn kỳ thị. Nhưng không bị kỳ thị thì đứa trẻ không thể hiểu được chúng khác các bạn ở điểm nào, sự khác biệt đó là tích cực hay tiêu cực, cần phải làm gì để làm chủ lại tình hình. Bạn sợ con bị ốm nên không cho con ra môi trường khác ngoài gia đình. Nhưng không ra môi trường khác, làm sao đứa trẻ có thể hình thành sức đề kháng, sức thích nghi, sự quảng giao, và quan trọng hơn cả, là sở hữu một thế giới để khám phá và trưởng thành.

Trong khi mọi đứa trẻ gần như sinh ra đã có một năng lực kỳ diệu, đó là năng lực “sống cho thời điểm hiện tại” và chúng rất nhanh chóng có thể quên đi những cảm giác tiêu cực mà sai lầm và thất bại mang lại để sẵn sàng thử lại, làm lại, chinh phục lại… thì bạn, những người lớn, vô tình vì quá thương con, đã ngăn cản chúng khỏi sai lầm và thất bại. Và dần dần nó trở thành thói quen không dám thử, không dám sai.

Lớn lên từ thất bại và sai lầm

Sai lầm và thất bại giúp hình thành thế giới quan

Có một sự thật hiển nhiên là cuộc sống đầy những thứ đi ngược lại mong muốn và kế hoạch của con người. Điều đó có nghĩa là chúng ta luôn mắc sai lầm và luôn gặp thất bại. Những lúc ấy bạn cảm thấy thế nào? Bạn có nghĩ rằng những thứ khiến bạn khổ sở thực ra không phải là thất bại, mà chính là thế giới quan của bạn đang làm khổ chính mình. Điều đó có thể hay không thể thay đổi?

Tôi không muốn những đứa trẻ của tôi lớn lên trong nỗi sợ hãi trước những cảm xúc, những hậu quả của sai lầm và thất bại. Nên tôi cảm thấy cần phải dạy chúng, từ rất sớm, rằng mọi người đều phạm sai lầm, và sai lầm là tốt, bởi vì nó sẽ giúp chúng ta trở nên tốt hơn, và biết mình cần phải làm gì. Quan trọng là đã làm gì thì dám thừa nhận là mình làm điều đó. Thừa nhận rồi thì phải biết được mình đã sai ở chỗ nào. Không có con người sai trái, chỉ có hành vi sai trái. Mà đã là hành vi thì luôn có thể sửa lại cho tốt hơn.

Những đứa trẻ học được cách nhìn nhận sai lầm và thất bại một cách tích cực, là những đứa trẻ có sức thích ứng với thế giới và có cách nhìn thực tế với chính cuộc sống mà chúng làm chủ. Và tự nhiên, chúng sẽ hướng thiện, hướng mỹ, và hướng về phía thành công.

Lớn lên từ thất bại và sai lầm

Sai lầm và thất bại giúp hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định

Sau mỗi lần thực hiện kỷ luật tích cực với từng đứa trẻ cần sự can thiệp của mình, tôi đều cùng chúng suy nghĩ lại và đưa ra những cách giải quyết mới để sửa chữa sai lầm và biến thất bại thành thành công. Có thể lần sửa chữa này vẫn chưa đạt được thành công như mong đợi, nhưng ít nhất đó là do đứa trẻ tự suy nghĩ và tự dám trở nên tốt hơn trong chính suy nghĩ của chúng. Và đó là một trong những điều kỳ diệu mà tôi thấy trong những đứa trẻ bình thường, sự can đảm để vượt lên chính mình chứ không phải núp trong bóng râm của sự xuề xòa, thiếu nghiêm túc.

Hãy càng yêu những đứa trẻ mắc sai lầm và hãy cùng đồng hành với chúng để vượt qua thất bại. Bằng cách đó bạn sẽ nhìn thấy điều kỳ diệu mà tôi vẫn đang nhìn, và bạn sẽ thấy tuyệt vời hơn bất cứ ai bởi những điều kỳ diệu ấy thực sự thuộc về bạn.

Bắt đầu từ ngày hôm nay, hãy cho phép con được mắc sai lầm, hãy giúp con đối mặt với thất bại. Bạn có khi sẽ không nỡ, bạn có khi sẽ cảm thấy xót xa thay cho con, nhưng hãy tin rằng chúng có đủ sức mạnh để vượt qua. Chỉ cần bạn kiên trì, nhất quán và luôn bên cạnh hướng chúng về những điều tích cực.

ĐĂNG KÍ NHẬN TIN

Các bài viết từ chuyên gia, sự kiện sắp diễn ra, kiến thức làm cha mẹ...