Ấn tượng kỳ diệu của hội họa đối với sự phát triển của trẻ thơ

Tôi còn nhớ tôi giống rất nhiều đứa trẻ khác, yêu thích màu sắc, và những cây bút từ khi bàn tay còn nhỏ xíu mới biết nắm và cầm. Tôi cũng còn nhớ khi bố mẹ cho đi học vẽ ở cung Thiếu nhi, khi ấy tôi 5 tuổi. Và tôi cũng còn nhớ ngày tôi không chịu đi học nữa, ngày hôm ấy cô giáo dạy vẽ con mèo, và tôi thì đã không thể vẽ ra được một con có thể gọi là mèo. Và từ ấy tôi lớn lên với niềm tin rằng mình không thể vẽ được bất cứ cái gì tử tế cả, đến một đường thẳng tôi cũng không thể tự kéo mà không bị lệch lạc, xiêu vẹo. Tôi không thích ngắm tranh, và tôi càng không ưa gì việc vẽ. Khi tôi nhìn những người khác hì hụi đánh bóng những khối chóp, khối cầu, tôi lại tự hỏi mình chẳng hiểu những thứ vô nghĩa ấy có gì hay ho.
34 tuổi, tôi đặt chân đến Israel bên bờ Địa Trung Hải. Vào một buổi sáng sau khi quay trở về từ Jerusalem, tôi tự nhiên thấy mình cầm cọ và vẽ thành phố Haifa bên bờ biển – theo cách mà tôi nhìn… Và vào khoảnh khắc ấy tôi tự nhiên cảm thấy mình tiếc nuối 30 năm đã qua, khi tôi đã luôn không tin rằng mình có thể làm bạn với hội họa.
Và sau đó tôi đọc một cuốn sách có tựa đề là “Bạn có thể vẽ được mọi thứ”, cuốn sách nói rằng “Vẽ không phải là một tài năng, nó đơn giản là những kỹ năng mà nếu bạn muốn, bạn sẽ có được nó. Việc duy nhất bạn cần là bắt đầu và luyện tập.” Và thế là tôi quyết định sẽ mang hội họa đến cho BEEs, sẽ khiến những đứa trẻ của BEEs không bị lãng phí 30 năm như tôi. Và hơn ai hết, tôi hiểu rằng, làm chủ được các kỹ năng vẽ tay sẽ mang lại những lợi thế mạnh mẽ vô cùng đến cho sự phát triển kỳ diệu của những đứa trẻ của tôi.
Hội họa chỉ đơn giản là sự kết nối và hòa trộn của màu sắc, đường nét, hình khối, chất liệu và sáng tối. Và những yếu tố cơ bản của hội họa cũng là những yếu tố kích thích đa giác quan và tác động trực tiếp đến nhận thức của bất cứ con người nào, bất cứ đứa trẻ nào. Các yếu tố kích thích này khiến cho đứa trẻ muốn khám phá nhiều hơn. Mọi đứa trẻ sẽ chủ động lại gần đống màu và đống bút, chúng sẽ học cách điều kiển các cơ vận động lớn và nhỏ của mình để say sưa vẽ trên mọi bề mặt, và mọi chất liệu mà chúng có thể tìm thấy. Trong lứa tuổi từ 0-3 những trải nghiệm với màu sắc và chất liệu là những trải nghiệm đặc biệt để kích hoạt não bộ cho trẻ. Và theo thời gian, các kỹ năng vận động dần trở nên hoàn thiện, sự phối hợp giữa mắt và tay cũng trở nên tinh tế hơn, việc đặt những nét bút chính xác, sự hòa trộn màu sắc và phối hợp sắc độ dần trở thành một kỹ năng không cần sự tham gia của ý thức nữa. Và đứa trẻ hoàn toàn thoải mái làm chủ quá trình thể hiện bản thân của chúng.
Hãy nhìn gương mặt của những đứa trẻ khi chúng hoàn thành xong một tác phẩm. Sự hài lòng, độ thỏa mãn và niềm vui sẽ sáng bừng trên những gương mặt ấy, và cung bậc đầu tiên của trí tuệ xúc cảm, năng lưc tự nhận thức, sẽ bắt đầu nơi ngòi bút gặp mặt giấy. Việc dạy cho chúng cách nhận diện cảm xúc, thể hiện và giải tỏa cảm xúc là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chúng ta, bởi ai trong chúng ta cũng có lúc đủ căng thẳng, buồn chán và tuyệt vọng để hiểu về tầm quan trọng của một sở thích, của một niềm đam mê.
Ấn tượng kỳ diệu của hội họa đối với sự phát triển của trẻ thơ
Với cọ và màu, hay chỉ đơn giản là cây bút chì và mẩu giấy, mọi đứa trẻ đều có thể đặt ra sự khởi đầu cho trí tưởng tượng và sức sáng tạo của chính mình. Dần dần qua thời gian, khi chúng trưởng thành và lớn lên cùng hội họa, những người lớn như chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng, sự chủ động, năng lực tự khởi đầu, trí tưởng tượng và sức sáng tạo mới thật sự là những điểm mấu chốt của thành công của bất cứ cá nhân nào. Ba năng lực này đứa trẻ nào cũng có thể có, nhưng để nuôi dưỡng và làm cho chúng trở nên bền lâu thì có lẽ không phải ai cũng thành công. Thiếu đi các điều kiện để duy trì và phát triển, thì những năng lực đặc biệt này cũng sẽ theo các nguyên tắc của não bộ mà thoái hóa đi theo thời gian.
Hội họa, và vẽ là một con đường hữu ích để xây dựng tư duy cho trẻ. Ngay từ sớm, trong quá trình học hỏi về biểu tượng và tính biểu tượng của tư duy trừu tượng, mọi đứa trẻ đều có thể được hướng dẫn cách để sử dụng các yếu tố cơ bản của hội họa để mã hóa các sự vật và hiện tượng xung quanh chúng. Điều này gây tác động mạnh mẽ đến việc phát triển trí tưởng tượng, khả năng thiết lập kết nối từ những nguồn dữ liệu trải nghiệm giác quan của chúng. Cùng với khả năng tái hiện hình ảnh trên giấy theo một phương thức mã hóa của riêng mình, năng lực quan sát của đứa trẻ cũng trở nên nhạy bén hơn. Việc rèn luyện kỹ năng hình họa đặc biệt có tác dụng đối với tư duy toán học của trẻ, đặc biệt là tư duy tỉ lệ, và tư duy không gian. Nói một cách khác, khi trẻ có khả năng hình dung ra toán học nói riêng hay một vấn đề nói chung ở dạng hình ảnh, việc tìm hiểu và giải quyết vấn đề sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Kỹ năng vẽ tay đồng thời sẽ trở thành một sự hỗ trợ đặc biệt tuyệt vời đối với việc củng cố trí nhớ ngắn hạn và dài hạn, bởi lẽ bạn sẽ rất khó có thể nhớ ra được điều gì nếu bạn không đặt bút và “viết” lại chúng theo cách mà bạn nghĩ. Những nét vẽ doodle đơn giản lại là những công cụ tư duy cực kỳ mạnh mẽ, khiến cho mọi đứa trẻ có thể làm chủ nguyên một quá trình suy nghĩ của chính mình.
Và cuối cùng, hội họa là con đường để mọi đứa trẻ kết nối với thế giới ngập tràn giá trị bên ngoài. Hội họa và niềm ham mê vẽ sẽ dẫn đứa trẻ đi đến với lịch sử, văn hóa, với những bài học mới, những cuộc đời mà chúng chưa biết đến bao giờ. Và cứ thế, thế giới của chúng mở rộng ra và ngập tràn ánh sáng. Bởi lẽ đó tôi tin rằng những đứa trẻ có kiến thức về hội họa và kỹ năng vẽ tay là những đứa trẻ sẽ có nhiều công cụ để trưởng thành mạnh mẽ và chinh phục thế giới rộng lớn. Vấn đề là, chúng ta sẽ bắt đầu như-thế-nào và những đứa trẻ sẽ-học-ra-sao.

Ngô Thanh Giang (M.Ed)

Nhà sáng lập hệ thống trường mầm non BEEs’

Website: https://bees.edu.vn/

Fb: https://www.facebook.com/giang.bee.1105

PS. Vui lòng dẫn link nguồn và ghi chú tên tác giả khi bạn chia sẻ bài viết. Cảm ơn các bạn!

ĐĂNG KÍ NHẬN TIN

Các bài viết từ chuyên gia, sự kiện sắp diễn ra, kiến thức làm cha mẹ...