BEEs’ Smart Parenting – Đồng hành cùng con những ngày đầu tiên đi học (P.1)
Trước lần đầu cho con đi học, bạn phải hiểu thế nào là sự gắn bó yêu thương và cách đứa trẻ sẽ lớn lên trong trạng thái gắn bó như thế nào. Sự gắn bó tích cực không phải là bạn cứ giữ rịt con bên mình, không nỡ, không dám để con rời xa vòng tay cha mẹ. Sự gắn bó tích cực không phải được đo bằng khoảng cách vật lý mà đứa trẻ ở bên bạn, mà đo bằng độ bền bỉ của niềm tin, tình yêu và cảm xúc tích cực của đứa trẻ bên ngoài vòng tay bạn. Sự gắn bó càng tích cực, đứa trẻ càng tự tin mạnh dạn, càng dễ thích nghi, càng quảng giao và càng phát triển mạnh mẽ. Và nền móng của sự gắn bó đó, kỳ lạ thay, lại bắt đầu từ chính bạn, chứ không phải là đứa trẻ.
Và giờ thì bạn quyết định cho con đi học. Không phải là một quyết định dễ dàng, tất nhiên rồi. Càng khó khăn hơn khi bạn quyết định cho con đi học sớm. Bởi vì bạn đã chọn một cách dễ làm tổn thương đến cảm xúc mong manh của chính mình và những người thân khác của con. Ở BEEs không đếm được những trường hợp, ngày đầu tiên mẹ cho con đi học, con khóc trên lớp, còn mẹ thì cũng quanh quẩn ở vườn hoa trước trường, nước mắt lưng tròng. Hay là cứ một chặp lại có bà hoặc mẹ ghé qua ô cửa nhìn xem con thế nào. Những trạng thái không đành lòng đó chúng tôi cũng trải qua. Những ngày đầu tiên, mẹ sốt ruột 10, thì các cô cũng sẽ sốt ruột 7,8, bởi vì nghe tiếng khóc của lũ trẻ thương lắm. Nhưng nếu các mẹ hỏi tôi có nên đón con về không, tôi vẫn khuyên là không nên.
Có một vài kinh nghiệm tôi có thể chia sẻ để giúp các mẹ đồng hành với các con một cách hiệu quả, và giảm thiểu được thời gian vật lộn thích nghi của bé:
Mọi đứa trẻ đều khóc.
Sự thật là như vậy. Nhưng cũng có một sự thật khác là tùy thuộc vào tính khí, và trạng thái gắn bó mà bạn xây dựng cho con, có đứa trẻ thích nghi nhanh, có đứa trẻ thích nghi chậm. Tuy nhiên, thời gian thích ứng trung bình của một đứa trẻ như được thống kê tại BEEs là từ 5 ngày cho đến 10 ngày đi học liên tục. Một số bạn nhỏ khác có các đặc điểm tính khí đặc biệt sẽ khó thích ứng trong một thời gian cực kỳ lâu, thời gian đó có thể kéo dài đến 3 tháng. Nhưng số này chỉ chiếm khoảng 10% tổng số học sinh mà chúng tôi đã tiếp cận. Trong một note khác chúng tôi sẽ nói đến những hiệu ứng kỳ diệu của những đứa trẻ này.
Nhờ vào những kinh nghiệm mà tôi có tại BEEs, tôi tin rằng 90% trẻ con đi học sẽ không phải vật lộn thích nghi quá 2 tuần đi học. Do vậy, tôi có đủ căn cứ để tin rằng nếu một đứa trẻ khóc hàng tháng trời không dứt thì một, chúng là những đứa trẻ có những nét tính khí (và chỉ báo tố chất) đặc biệt, hoặc hai, cha mẹ thất bại trong việc phối hợp với giáo viên để ổn định cảm xúc trẻ, hoặc ba, tương tác trẻ nhận được ở trường chưa đáp ứng được nhu cầu của con.
Những quy luật bạn có thể không biết
Quy luật về sự liên tục và lòng kiên trì:
Đi học là một thử thách rất kinh khủng mà mọi đứa trẻ đều phải trải qua để bước ra thế giới. Những áp lực tâm lý của trẻ đã được tôi phân tích kỹ trong các note trước. Đó là một sự thay đổi đột ngột, mạnh mẽ, và mang tính chấn động mà đứa trẻ gặp phải lần đầu tiên trong đời. Chính vì thế, chúng sẽ làm mọi cách để phản ứng lại sự thay đổi này. Cơ thể của chúng phát sốt, tiếng khóc của chúng lạc đi, khẩu vị bị thay đổi, nhịp vệ sinh rối loạn, sự sợ hãi bắt đầu. Những ức chế tiêu cực này giống như những trở ngại mà đứa trẻ đặt ra để thử thách sức bền của chính chúng cũng như của người lớn. Nhưng cũng như đã khẳng định trong một note khác của tôi, mọi ức chế tiêu cực nếu được kiểm soát một cách tích cực, sẽ trở thành dấu ấn cho sự phát triển vượt trội, bứt phá. Và cả chúng ta lẫn đứa trẻ, chúng ta đều học cách kiểm soát những thứ tiêu cực bằng cách đối diện với chúng, làm quen với chúng và thuần phục chúng, chứ không phải là lẩn tránh chúng.
Bởi vậy, con càng khó thích ứng thì càng cần việc đi học phải liên tục, càng cần cha mẹ phải kiên trì. Bạn đừng vội nản lòng nếu bạn nhìn thấy con quá khó khăn vật vã, hãy tự nhủ với bản thân rằng, Mẹ nhất định sẽ cùng con vượt qua. Và thế là thậm chí nhiều năm sau đó, tinh thần đó cũng sẽ ở mãi với con bạn, biến chúng trở thành những cá thể kỳ diệu, kiên trì và đầy mạnh mẽ. Tôi khuyên các mẹ trong những ngày đầu tiên cho con đi học, nếu con có gặp chút vấn đề về sức khỏe (sổ mũi, ho hắng, thậm chí sốt nhẹ, biếng ăn) các mẹ cũng đừng chọn cách cho con nghỉ ở nhà, bởi vì như thế, bạn đã bỏ cuộc trước cả con mình. Bạn hãy cho con đến lớp muộn hơn thường ngày một chút, trao đổi kỹ với giáo viên, và đón con sớm hơn một chút. Bằng cách đó, bạn vẫn cân bằng được thời gian và giúp cho con làm quen với môi trường mới. Chút nữa chúng ta sẽ nói đến khoảng thời gian vật lý.
Lần đầu cho con đi học rất cần bố mẹ kiên trì
Quy luật mở lòng:
Thật sai lầm khi bạn cứ nấn ná mãi không về trong ngày đầu tiên con đến lớp. Hãy nhớ một điều, con bạn biết yêu và biết thủy chung từ khi mới sinh ra đấy. Khi có người chúng yêu thương nhất trên đời ở bên, chẳng đời nào chúng mở lòng để yêu thêm người mới. Bạn hãy thử nghĩ lại xem, khi có bạn, con bạn sẽ chẳng bao giờ chịu để cho một người lạ cho chúng ăn, cho chúng ngủ hoặc là làm theo họ. Sự có mặt của bất cứ người thân nào trong những ngày đầu tiên đi học của trẻ đều là sự cản trở đối với quá trình tự thích nghi. Nếu bạn muốn, hãy cùng con đến trường chơi một lúc, nhưng khi đã quyết định cho con nhập học, bạn sẽ cần phải quả quyết ra về. Bạn làm điều đó vì bạn tin rằng con cần phải tự mở lòng mình với cô giáo và các bạn mới.
Ngô Thanh Giang (M.Ed)
Sáng lập viên hệ thống trường mầm non BEEs’
Bố mẹ xem tiếp Phần 2 tại: https://bees.edu.vn/dong-hanh-cung-con-nhung-ngay-dau-tien-di-hoc-phan-2/
PS. Vui lòng dẫn link nguồn và ghi chú tên tác giả khi bạn chia sẻ bài viết. Cảm ơn các bạn!