BEEs’ Smart Parenting – Đồng hành cùng con những ngày đầu tiên đi học (P.2)

Phần 1: https://bees.edu.vn/dong-hanh-cung-con-nhung-ngay-dau-tien-di-hoc-phan-1/

Quy luật mở lòng (tiếp)

Ngay khi bạn quay lưng đi, phía trước đứa trẻ là một thế giới đầy xa lạ và đầy bất an, sợ hãi. Nhưng cùng vào lúc cô đơn tột cùng ấy, chúng học cách mở lòng ra thế giới. Có đứa trẻ sẽ để cho cô giáo bế trên tay, mặc dù chúng vẫn khóc và giãy giụa dữ dội. Có đứa trẻ không cho ai lại gần chúng. Có đứa trẻ sẽ đóng mọi cánh cửa với thế giới – không nhìn, không nói, không nghe, không ăn, không cho ai chạm vào người… mỗi một tính khí là một phản ứng riêng. Những ngày đầu tiên đi học là những ngày chúng làm quen với cảm giác khó chịu và tập sự kiên trì để vượt qua những sự khó chịu to lớn đó. Nhưng có những dấu hiệu để chúng ta biết cánh cửa của chúng đã dần dần mở ra….

Đó là khi chúng để ai đó chạm vào người mình. Đó là khi chúng bắt đầu ngước mắt lên nhìn ai đó. Đó là khi chúng gục đầu lên vai ai đó. Đó là khi chúng tự bò, tự đi đến gần một ai đó. Đó là khi chúng chịu nhắm mắt để ngủ… Bạn, người mẹ, người cha của con, bạn sẽ không nhìn thấy phút giây ấy, bạn sẽ nghĩ rằng con mình chưa hề thích nghi, nhưng cánh cửa xúc cảm của chúng thực sự đã hé mở ra, và lúc đó con của bạn đã sẵn sàng để trưởng thành.

lần đầu tiên đi học

Đa phần giáo viên không chú ý đến những điều nhỏ nhắn ấy. Vì vậy nên bạn cũng khó có thể biết được rằng liệu hôm nay con bạn có tiến bộ hơn ngày hôm qua hay không. Có những người mẹ, thậm chí đã buông tay đầu hàng chỉ vì mẹ không kiên nhẫn nổi. Và khi đó bạn đã hi sinh mất bao nhiêu nỗ lực của con mình, và sẽ ép chúng phải bắt đầu lại, với một tâm trạng lo lắng hơn, cho lần kế tiếp.

Niềm tin

Khi con bạn đã bắt đầu hé mở cánh cửa bước vào thế giới của chúng, cho một người hoàn toàn xa lạ – cô giáo. Đó là lúc một kỹ năng xã hội mới bắt đầu hình thành. Niềm tin. Niềm tin vào cô giáo đầu tiên, là sự khởi đầu của lòng tự tin của cả một đời người. Lòng tự tin ấy chỉ nảy sinh trong một xã hội rộng lớn hơn gia đình, nhiều thử thách hơn, nhiều kích thích hơn, nhiều thất bại hơn vòng tay của mẹ.

Khi con bạn bắt đầu chịu ngủ trong vòng tay cô giáo, đó là lúc chúng hoàn toàn tin tưởng và giao phó niềm tin nhỏ bé, dễ tổn thương của mình cho một người chúng hoàn toàn không quen biết. Nếu cô giáo là một người đủ tinh tế, cô sẽ cảm thấy tự hào biết bao nhiêu, và cô sẽ thấy mình trở thành một phần thế giới trong trẻo, đáng yêu và đầy tin cậy của chúng. Và hãy tưởng tượng sẽ thế nào nếu bạn chọn sai nơi để gửi gắm con mình, niềm tin không những không được đáp ứng đúng cách trong một thời gian quá dài, thì không chỉ niềm tin, mà cả sức khỏe tâm thần của con còn bị tổn thương nặng nề. Và thế là cả một đời người, cả một con đường thay đổi. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu trường hợp như thế, đến lúc bạn nhận ra và thay đổi môi trường cho con thì đã không còn kịp nữa. Đừng mắc những sai lầm không đáng có, hãy có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước khi con bạn đi học, và hãy đủ chủ động để giao tiếp, tìm hiểu, nắm bắt thông tin một cách khách quan, chính xác để bảo vệ đứa trẻ của bạn, bảo vệ niềm tin cho chúng.

ngày đầu tiên đi học mầm non

Tương tác tích cực

Có rất nhiều phụ huynh muốn con mình được cô bế ẵm chăm sóc trong suốt thời gian đi học. Nhưng tương tác tích cực nhất mà bất cứ một giáo viên giỏi nhất nào có thể cho con bạn, đó là tôn trọng quyền được đứng trên đôi chân của mình của chúng, dù chúng có khóc quấy hay đòi bế ẵm đến mức nào. Bế ẵm là một thói quen xấu, bế ẵm không biểu hiện cho tình yêu đúng cách. Tương tác tích cực là cô sẽ dành cho con bạn những cái ôm, đặt bé ngồi cạnh mình, cùng trò chuyện và chơi cùng bé.

Có một câu chuyện nhỏ của tôi với em Măng ngày hôm nay mà tôi muốn ghi lại. Măng đi học vào thời điểm khoảng 8 tháng, và em đã biết ăn vạ rồi ^^. Suốt từ khi nhập học, cô bế em rất nhiều, cứ bế em đứng lên thì em mới ngưng khóc. Khi nào không bế em nữa thì em rất khó chịu, quạu quọ và khóc ăn vạ. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi làm quen với em Măng để được em chấp nhận vào thế giới của mình. Lúc đầu nhất định em cự tuyệt, giãy giụa không đồng ý, em chỉ muốn cô giáo của em thôi. Nhưng điều khiến tôi muốn bước vào thế giới của em là vì tôi biết em ăn vạ, nước mắt có chảy tí nào đâu. Thế là chúng tôi quyết định sẽ ở lại cùng nhau trong phòng. Em khóc, lần đầu tiên tôi đặt em ngồi cách xa tôi 1m. Em tiếp tục khóc. Tôi đợi một lúc thì dang tay ra, bảo Măng lại đây với cô nhé. Em bò một bước, ngẩng lên nhìn, sau đó lại khóc um lên, tay dang ra, ý muốn nói cô ra đón con. Nhưng tôi vẫn ở yên tại chỗ, dang tay ra và bảo Em Măng ngoan, bò lại với cô nào. Em lại nín khóc, bò thêm một bước, rồi lại dừng lại, giơ tay đòi cô ra bế. Nhưng tôi vẫn bào “Em Măng ngoan, tự bò ra với cô nhé, cô sẽ không ra chỗ của em đâu”. Cuối cùng em cũng bò đến nơi, chui vào lòng cô thút thít rồi nín. Được một lúc em lại khóc gào đòi cô bế đi chơi. Tôi lại đặt em ra chỗ cũ và lặp lại quy trình của mình. Em kiên nhẫn thăm dò tôi đến 6 lần lận, sau đó thì im luôn và ngồi bên tôi một cách ngoan ngoãn, cùng ngồi nghe giờ học tiếng Anh với các anh chị lớn. Tổng cộng thời gian để em quen tôi, tin tưởng tôi và yêu quý tôi chỉ mất chưa đến một tiếng đồng hồ. Bởi vì tôi tin em trước, và bởi vì tôi kiên trì, nhất quán và yêu thương.

bees education ngày đầu tiên đi học

Vậy đấy, tương tác tích cực là giúp con tự vượt qua nước mắt, chứ không phải can thiệp để một đứa trẻ nín khóc. Đứa trẻ cần một chỗ để tin, và chúng thận trọng kiểm chứng niềm tin ấy, và cũng nỗ lực để tự quyết định xem mình sẽ đặt niềm tin vào tay ai. Điều đó thật là tuyệt vời, phải không? 

Lý do mọi đứa trẻ ở BEEs đều tự tin, mạnh mẽ là bởi chúng đặt niềm tin ở đúng người, và có nhiều người, ngược lại, đặt những niềm tin kiên định ở chính chúng.

Giao tiếp tích cực

Khi bạn cho con đi học, hãy cố gắng chủ động giao tiếp tích cực với cô giáo của con bạn. Hãy lấy nhiều nhất có thể những thông tin về con ở trường, bởi điều đó sẽ giúp bạn an tâm hơn và ngược lại, bạn cũng cần phải trao đổi bằng hết những biểu hiện của con khi về nhà với cô giáo. Bằng cách đó, một cô giáo tốt có thể có một cái nhìn toàn diện hơn về quá trình thích nghi của con bạn, và đưa ra cho bạn những lời khuyên để phối hợp tốt nhất với những nỗ lực của cô. Bằng cách làm bạn với cô giáo, bạn tin không, con bạn sẽ có đến hai người mẹ.

Ngày đầu tiên đi học, là khó khăn cho cả mẹ và cả con. Đã chứng kiến, can thiệp và quan sát hàng ngàn trường hợp trẻ nhập học, tôi có thể đoan chắc với các bạn rằng, nếu có một thành công nào đó của con mà có thể làm cho bạn tự hào, đó chính là cách con vượt qua cú sốc thay đổi môi trường. Bởi vậy, hãy chắc chắn rằng bạn cho con đi học ở trạng thái sẵn sàng về tâm lý và các điều kiện sống của chính bạn, chứ đừng cho con đi học vì bạn muốn cai sữa, hay vì bạn chuyển nhà, hay vì bạn phải đi làm trở lại. Vì bạn, hơn ai hết là người cần phải đồng hành cùng con. Nếu bản thân bạn không sẵn sàng, những nỗ lực khổ sở mà con bạn đang tự xoay sở để vượt qua sẽ trở nên vô nghĩa. Ai nỡ phung phí những nỗ lực vật lộn của con như thế, phải không?

Ngô Thanh Giang (M.Ed)

Sáng lập viên hệ thống trường mầm non BEEs’

Website:https://www.bees.edu.vn

Fb: https://www.facebook.com/giang.bee.1105

PS. Vui lòng dẫn link nguồn và ghi chú tên tác giả khi bạn chia sẻ bài viết. Cảm ơn các bạn.

ĐĂNG KÍ NHẬN TIN

Các bài viết từ chuyên gia, sự kiện sắp diễn ra, kiến thức làm cha mẹ...