BEEs’ Smart Parenting – vài điều bạn hãy dạy con

Nhân một ngày trông trẻ muộn cuối năm, bỗng dưng tôi thấy có cảm hứng muốn viết đôi lời nhắn gửi cho những người mẹ ở BEEs và những người mẹ đang đồng hành cùng BEEs’ Smart Parenting trong hành trình làm cha mẹ.

Mỗi khi có thời gian ở BEEs’ TinyCollege, tôi không bao giờ về trước khi những đứa trẻ cuối cùng được đón. Tôi thường nán lại chuyện trò với chúng, và thông qua những cuộc chuyện trò đó, tự bản thân tôi cũng chiêm nghiệm ra rất nhiều điều. Thường lũ trẻ lúc đó rất thích ngồi trong lòng tôi, vì tôi nói chuyện, trêu đùa, ôm ấp và cùng chờ đợi với chúng. Hôm nay cũng là một ngày như thế. Có vẻ như Tôm không mấy khi “bị chờ đợi” nên mới khoảng 6h thì đã thấy ngồi im lặng một chỗ, khác hẳn vẻ hoạt náo thường ngày. Khi lại gần thì thấy mắt bạn ươn ướt. Thế là cô trò cùng trò chuyện

– Hôm nay mẹ Huyền đi xe máy hay taxi hả Tôm?

– Mẹ đi xe máy

– Thế bình thường ai hay đến đón Tôm?

– Mẹ đón Tôm 

– Thế Tôm nghĩ mẹ có bao giờ quên Tôm không?

– Không ạ

– Thế thì đúng rồi, hôm nay mẹ đến muộn một chút xíu vì chắc là đường đông lắm, Tôm có chờ được mẹ một chút không?

– Được ạ

– Đường đông nhỉ Tôm nhỉ, con nhìn ra ngoài kia kìa.

– Vâng, người ta còn đứng cả lại

– Uh nhỉ, đông quá thì xe không thể đi nhanh được, thậm chí còn phải đứng cả lại nữa, thế thì mẹ có thể đi nhanh đến đón Tôm được không?

– không ạ

– Mà đường đông như thế không biết mẹ có đeo khẩu trang không nhỉ?

– Có ạ

– Vì sao mẹ lại đeo khẩu trang nhỉ?

– vì nếu không là hít phải bụi ô tô, bụi xe máy đấy ạ

– Đúng rồi, đường mà đông thì sẽ có rất nhiều khói xe, phải đeo khẩu trang thì mới bảo vệ được sức khỏe.

– Thế Tôm có phải là một em bé kiên nhẫn không? 

(lắc đầu) không ạ

– Thế Tôm có phải là một em bé biết chờ đợi không? 

(lắc đầu) không ạ

– Vì sao Tôm không muốn chờ đợi?

– Vì con nhớ mẹ.

– Thế con nghĩ mẹ có nhớ con không?

– Có ạ

– Nếu nhớ Tôm thì mẹ sẽ muốn đi nhanh hay đi chậm?

– Mẹ đi nhanh ạ

– Thế nếu đường đông mà đi nhanh thì sao?

– Thì không được

– Uh, đường đông mà cố đi nhanh thì nguy hiểm, lại còn dễ bị chú công an phạt nữa. Thế Tôm cố gắng chờ mẹ thêm một chút nữa nhé.

– Vâng ạ

 

Cuộc nói chuyện còn tiếp tục dài ơi là dài, nhưng đã chuyển sang chủ đề khác. Khi hai cô trò đang ngồi trêu đùa nhau thì mẹ vội vã đi vào. Câu đầu tiên của mẹ là “Mẹ xin lỗi vì để Tôm phải chờ lâu”. Điều này khiến tôi muốn gửi gắm đến mẹ Tôm một vài thông điệp nho nhỏ, hi vọng sẽ giúp ích được hơn cho quá trình làm mẹ tích cực của em.

Hãy dạy con biết chờ đợi

Biết chờ đợi là sự thể hiện của tính nhẫn nại mà bất cứ người thành công nào cũng cần phải có. Nếu bạn không bao giờ để con chờ đợi, thì đứa trẻ sẽ không biết được cảm giác chờ đợi là như thế nào để trân trọng hơn những khoảnh khắc hiện hữu. Trẻ con cần học cách chờ đợi từ rất sớm, bắt đầu khoảng 6 tháng tuổi, khi bạn thực hiện chiến lược “tự dỗ” như hướng dẫn của chủ đề Kỷ luật tích cực. Học cách chờ đợi là học cách kiểm soát sự bộp chộp, láu táu của trẻ, giúp chúng trải nghiệm các cung bậc cảm xúc căng chùng khác nhau và hiểu rằng mỗi một người đều có một cuộc sống riêng.

Và như thế, đứa trẻ sẽ học được cách trở nên độc lập, không phụ thuộc một cách quá nặng nề vào những gì người khác có thể mang cho chúng. Bởi vậy, câu đầu tiên hãy đừng nói rằng “mẹ xin lỗi”, bởi vì mẹ không có lỗi khi đường đông, mẹ không có lỗi khi dành một chút thời gian cho bản thân mình, và mẹ không có lỗi khi cho con chút thời gian để chờ đợi. Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu bạn nói với con rằng “Mẹ thật ngạc nhiên vì mẹ mới phát hiện ra con là một đứa trẻ biết chờ đợi dù con rất nhớ mẹ. Mẹ đến muộn vì mẹ đã dành chút thời gian tặng cho mình một món quà, con nghĩ mẹ có đủ ngoan để được nhận một món quà không nhỉ? Và sự kiên nhẫn của con thật là tuyệt vời đấy.”

Một lần nữa, hãy nhớ đến bài học “bắt gặp đúng lúc trẻ ngoan” và hãy tìm cách để tuyên dương những điều tốt đẹp bạn tìm thấy ở đứa trẻ, chứ đừng vội vã lao vào những điều kém tích cực hơn, phải không nào!

Dạy con biết chờ đợi là một cách để mẹ có thời gian được sống cuộc sống của chính mình nữa. Bạn đừng ngại nếu bữa tối bị trễ, và con bị đói. Bạn cũng đừng ngại nếu sàn nhà vẫn còn vương vãi bừa bộn chưa sẵn sàng để đón con đi học về. Bạn cũng đừng ngại nếu bạn chụp hình thay vì đỡ con đứng dậy… miễn rằng bạn yêu chúng đủ để chúng có thể tự tìm cách thích ứng với những thay đổi nho nhỏ của cuộc sống. Để dạy con biết chờ đợi, trước tiên bạn phải cho con thời gian, và tự bản thân phải thả lỏng mình hơn một chút. Chờ đợi, đôi khi lại là động lực của sự độc lập, nhẫn nại và thấu hiểu đấy, bạn ạ.

Hãy dạy con về sự thật

Xã hội của chúng ta phải chăng đã có quá nhiều người sợ hãi sự thật? Đừng biến con bạn trở thành một trong số những người như thế. Hãy thẳng thắn và chân thành với chúng về mọi điều diễn ra trong cuộc sống. Một nửa sự thật vẫn không phải là sự thật, hãy luôn nhớ câu danh ngôn ấy, khi bạn trả lời chúng về mọi thứ, vì sao bố mẹ cãi nhau, vì sao con lại có ở trong bụng mẹ, vì sao có người xấu, cái chết là gì… Có người mẹ nói với tôi rằng mỗi khi bố mẹ cãi nhau, thì mẹ nói với con là tất cả là tại con đấy. Nhưng sự thật không phải là như thế, đứa trẻ không hề khiêu khích để bố mẹ cãi nhau, bố mẹ to tiếng bởi vì suy nghĩ của hai người khác nhau và cả hai đều cảm thấy tổn thương và mất bình tĩnh. Hay là khi nói chuyện về giới tính, có những case hai năm rõ mười là đứa trẻ có nhìn thấy những tình huống “gần gũi” của bố mẹ, nhưng do nhiều lý do, bố mẹ vẫn cứ lẩn tránh không thừa nhận những sự thật đang tồn tại trên con của mình.

Dạy con về sự thật là một cách để giúp con hiểu rằng sự thật có khi tốt đẹp, cũng có khi xấu xí, có khi vui vẻ nhưng cũng có khi đau khổ, nhưng sự thật là đáng trân trọng. Con cần biết đối diện với nó, chấp nhận nó và tìm ra những cách giải quyết để làm mọi thứ trở nên thực sự tích cực. Nếu sự thật là con đang kém các bạn, hãy chỉ cho chúng biết điều đó, và hãy nhấn mạnh đến những phần mà trẻ giỏi hơn để gây sự khích lệ cho chúng tự kiểm soát vấn đề của mình. Hãy nhớ rằng sự trung thực là một trong những giá trị tích cực vĩnh cửu của con người. Sự trung thực và tư duy tích cực sẽ tạo ra những tấm lòng cao cả ở mỗi con người.

Hãy dạy con về tinh thần trách nhiệm

Bạn sẽ không thể dạy con về tinh thần trách nhiệm nếu như bạn cứ ôm khư khư lấy trách nhiệm làm mẹ, làm cha của mình. Thi thoảng, hãy để con thực hiện trách nhiệm ngược lại cho bố mẹ, bằng cách tự chơi độc lập, hoặc bằng cách chăm sóc ngược lại cho bố mẹ của mình, bằng cách chia sẻ công việc gia đình hay bằng cách cùng đưa ra quyết định.

Nhưng để dạy con về tinh thần trách nhiệm, thì cha mẹ cần trở thành tấm gương soi của chúng. Mọi điều các bạn làm, sẽ được viết lại vào trí nhớ, thói quen và nhân cách của đứa trẻ. Bạn sẽ dạy con có trách nhiệm với cộng đồng thế nào, nếu giữa đoạn đường đông bạn tràn sang làn đường của dòng xe ngược chiều, hoặc bạn phóng xe lên vỉa hè để chạy cho nhanh. Bạn sẽ dạy con có trách nhiệm với bản thân mình và tài sản của mình thế nào, nếu bạn hoặc người giúp việc của bạn lúc nào cũng đi theo sau để dọn đống messy của lũ trẻ?

Kỷ luật tích cực là để xây dựng trách nhiệm cho những đứa trẻ, là để dạy chúng cách đặt mình vào địa vị người khác và hiểu ra những điều mình cần làm đúng trong mỗi tình huống là gì. Bạn dành mọi thứ cho con, nhưng chưa chắc đó đã là trách nhiệm. Trách nhiệm là dám đối mặt với mọi hệ quả hành động của mình.

Hãy dạy con về sự khác biệt

Mỗi đứa trẻ là một món quà. Bạn hãy đừng bao giờ so sánh món quà của mình với món quà của người khác. Tôi thấy hài hước khi có một mẩu quảng cáo là “Mẹ anh đã dạy anh như thế, mẹ các em thì sao?” Mọi đứa trẻ đều có thể trở nên nổi bật xuất sắc bởi chúng đều có tố chất như một món quà cuộc sống ban tặng khi chào đời. Ăn thua là có đứa trẻ được khai thác đúng cách, đúng kiểu, còn những đứa trẻ khác thì không, bởi vì cha mẹ không hiểu nổi sự khác biệt của chúng.

Vì sao bạn để con tự ti và nghĩ rằng mình kém cỏi, chỉ vì bài tập viết của chúng được 8 điểm? Bạn có thực sự biết phía sau điểm 8 đó, con bạn có điều gì đặc biệt hay không để nói cho nó biết rằng nó cũng là một điều kỳ diệu chả thua kém gì con người khác. Có đứa trẻ nào đóng kịch được với những lời thoại tiếng Anh dài ngoẵng như con của bạn trước khi bước vào lớp 1 hay không?

Sự khác biệt tạo ra những người xuất chúng. Đừng để những người không có năng lực đủ để hiểu con bạn cạo mòn đi những thiên bẩm mà chúng có. Bạn, phải tin vào con của mình. Bạn, phải là người nhìn ra điều khác biệt của chúng.

Hãy dạy con đam mê

Nhiều người trong số các bạn đã từ bỏ sở thích của mình sau khi có con. Nhưng điều đó thật là kỳ quặc. Sở thích tạo ra những đam mê của bạn, nó đốt cháy lên những ngọn lửa ấm áp sưởi trái tim bạn trong những lúc muộn phiền. Đam mê tạo cho bạn niềm hưng phấn mãnh liệt để cố gắng. Hãy truyền ngọn lửa đó cho con của bạn, chỉ đơn giản bằng cách nuôi dưỡng và định hướng đúng những sở thích, khác biệt và niềm vui của đứa trẻ.

Nhưng bạn đừng nhầm lẫn với việc truyền đam mê của cha mẹ sang cho con khi chúng không sinh ra để phục vụ đam mê ấy. Tùy vào tiềm năng, tính khí và môi trường, mỗi con người lại nảy sinh những đam mê khác nhau, và gốc rễ của mọi đam mê là sự tò mò và phấn khích khi khám phá thế giới. Vậy thì đừng cản con khám phá. Hãy làm một người bạn đồng hành, và thiên thần hộ mệnh của đứa trẻ, dù ở bên cạnh, ở phía sau hay thậm chsi bạn chẳng có mặt suốt ngày bên con được. Trao cho con niềm tin, sự tự do và lời khích lệ, là con đường dẫn đứa trẻ đi tìm lấy đam mê của chính mình

Một ghi chép nho nhỏ khi ngồi chơi ở Macca 1

Sau khi uống sữa và các bạn đã lau miệng xong, Zin tự động chạy ra lễ mễ bê cái chậu khăn ra cửa, đặt xuống, mở cửa, bê chậu ra ngoài, và bê thẳng đến chỗ cô giáo đang hì hụi ở chậu rửa tay. Cô cúi xuống cảm ơn Zin, nhưng quên mất không khen ngợi một hành vi tốt. Cô Giang nhìn thấy và nói: “Ồ, trong lúc các bạn đi chơi đồ chơi thì bạn Zin giỏi quá, tự mang cả một chậu khăn ra cho cô, Zin thật là một em bé biết giúp đỡ người khác, thật là tuyệt vời ý.”

Thế là đến lúc đi về, nhất định Zin phải ghé qua văn phòng để chào cô Giang, và cô lại nhắc lại hành vi đáng khen ngợi của bạn một lần nữa.

làm một đứa trẻ cảm thấy được đánh giá cao, được trân trọng những hành vi tốt không hề khó, khó chăng là sự tỉ mỉ của người lớn dẫn đường.

Ngô Thanh Giang (M.Ed)

Sáng lập viên hệ thống trường mầm non BEEs’

Website:https://www.bees.edu.vn

Fb: https://www.facebook.com/giang.bee.1105

PS. Vui lòng dẫn link nguồn và ghi chú tên tác giả khi bạn chia sẻ bài viết. Cảm ơn các bạn!

ĐĂNG KÍ NHẬN TIN

Các bài viết từ chuyên gia, sự kiện sắp diễn ra, kiến thức làm cha mẹ...