BEEs’ Smart Parenting – Sự gắn bó thương yêu dưới góc nhìn phát triển

Sự gắn bó thương yêu mô tả mối quan hệ tương tác dài lâu giữa trẻ thơ và những người bé yêu thương, tin tưởng. Sự gắn bó này được thể hiện thông qua những phản hồi của bé khi bản thân bị tổn thương, bị tách khỏi những người yêu thương hoặc khi bị đe dọa. Nói một cách dễ hiểu hơn, sự gắn bó thể hiện lòng tin tưởng của bé đối vởi bản thân mình và những người thân yêu chăm sóc cho mình. Sự gắn bó bắt đầu sinh ra cùng em bé sơ sinh và lớn lên cùng bé, nó hình thành nên một hệ thống các hành vi và động lực hướng bé đi tìm kiếm sự gần gũi ở người chăm sóc bé thường xuyên mỗi khi bé cảm thấy sợ hãi, với hi vọng rằng bé sẽ được bảo vệ và hỗ trợ về mặt cảm xúc.

Một em bé ngay từ sơ sinh đã cần phải thiết lập được một mối quan hệ an toàn với ít nhất một người chăm sóc chính để có thể phát triển một cách mạnh mẽ nhất về cả cảm xúc và xã hội, và đặc biệt là để học cách kiểm soát cảm xúc của mình một cách hiệu quả. Bất cứ một người lớn nào cũng đều có thể trở thành nhân vật chính của sự gắn bó này nếu họ là người chăm sóc chính và tương tác chính với bé. Với sự có mặt của một người lớn tinh tế và đáp ứng, bé sẽ coi người đó như một “căn cứ an toàn”, để từ nơi đó bé có thể bắt đầu khám phá thế giới. Thực tế ra kể cả những người lớn tinh tế nhất cũng chỉ hiểu và đáp ứng đúng được khoảng 50% nhu cầu của bé. Thông thường giao tiếp bị gián đoạn bởi những yếu tố gây xáo trộn từ bên ngoài, nhưng người một người lớn tương tác tốt là người đảm bảo được rằng những khoảng thời gian gián đoạn đó luôn được kiểm soát và sửa chữa.

Sự gắn bó thân thương giữa bé sơ sinh và người chăm sóc được hình thành kể cả khi người lớn này không nhạy cảm và không đáp ứng trong các tương tác xã hội với bé. Điều này có một điểm nhấn quan trọng. Trẻ sơ sinh thậm chí còn học cách tự kiểm soát bản thân mình tốt nhất khi ở bên những người chăm sóc không-phải-lúc-nào-cũng-nhạy-cảm-hoặc-đáp-ứng. Nhà tâm lý học phát triển Mary Ainsworth từ những năm 60 đã phát hiện ra rằng trẻ thơ sẽ có những hình thức gắn bó, đeo bám khác nhau, tùy thuộc chủ yếu vào việc chúng trải nghiệm sự chăm sóc trong giai đoạn sớm như thế nào. Có bốn kiểu gắn bó, đeo bám được xác định trên trẻ thơ gồm: gắn bó an tâm, lo lắng và mâu thuẫn, lo lắng và lẩn tránh và đeo bám bấn loạn.

Gắn bó an tâm được coi là hình thức gắn bó thương yêu tốt nhất mà một người có thể có. Gắn bó an tâm là khi trẻ thơ cảm thấy yên lòng với sự hiện diện của người chăm sóc chúng đủ để có thể khám phá tự do khi có mặt người đó, bé đặc biệt không e dè người lạ. Đương nhiên bé thường khóc khi người chăm sóc rời đi, nhưng sau đó dễ dàng ổn định cảm xúc và vui vẻ khi thấy người thương yêu của mình quay lại. Phạm vi khám phá cũng như mức độ căng thăng bị ảnh hưởng bởi tính khí và những tác nhân tình huống cũng như trạng thái gắn bó của trẻ. Sự gắn bó của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ mức độ tinh tế của người chăm sóc đối với nhu cầu của chúng. Những phụ huynh hồi đáp lại nhu cầu của trẻ một cách tích cực, thường xuyên và nhất quán sẽ tạo ra những đứa trẻ biết gắn bó an tâm. Những đứa trẻ này luôn tin tưởng vào một điều đương nhiên là cha mẹ sẽ đáp ứng các nhu cầu của chúng và giao tiếp với chúng theo cách chúng cần. Những đứa trẻ được tạo thói quen gắn bó thương yêu một cách an tâm sẽ có thể khám phá tối đa khi chúng biết mình có một nơi an toàn để trở về trong những khi cần thiết. Khi nhận được sự trợ giúp, cảm giác an tâm của trẻ trở nên mạnh mẽ hơn và từ đó bé học cách đối diện với vấn đề tương tự trong tương lai. Vì thế, sự gắn bó an tâm có thể được coi như một hình thức gắn bó mang tính thích ứng tốt nhất. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, một đứa trẻ học cách gắn bó an tâm khi cha hoặc mẹ luôn sẵn sàng và có thể đáp ứng một cách tích cực các nhu cầu của trẻ với thái độ phù hợp.

Thông thường khi người chăm sóc rời đi, để lại trẻ một mình, đứa trẻ sẽ cảm thấy lo lắng sợ hãi.

Lo lắng mâu thuẫn xuất hiện khi trẻ phải trải qua việc phải tạm xa người thân và vẫn không trấn an được khi người chăm sóc đã quay trở lại bên trẻLo lắng lẩn tránh là khi trẻ lẩn tránh và từ chối cha mẹ. Sự đeo bám bấn loạn là khi trẻ thể hiện những hành vi do thiếu sự chú ý cần thiết. Những đứa trẻ không có được sự gắn bó an tâm một cách tích cực thường thể hiện xu hướng có chơi chút xíu ở các khu vực lạ, nhưng thường rất chú ý đến người lạ, kể cả khi có mặt người thân yêu của bé. Khi người chăm sóc rời đi, trẻ lập tức rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ. Khi người chăm sóc quay trở lại thì trẻ vẫn tiếp tục cảm thấy mâu thuẫn và thể hiện sự giận dữ hoặc bất lực để đảm bảo rằng người chăm sóc sẽ không rời khỏi chúng. Một đứa trẻ đeo bám một cách vừa lo lắng vừa lẩn tránh sẽ từ chối hoặc lờ đi người chăm sóc của mình – thể hiện cảm xúc hờ hững khi người chăm sóc trở lại. Trẻ không khám phá, không chơi, và không cần biết ai đang có mặt. Trẻ không thể hiện căng thẳng khi người thân rời đi, và cũng không phản ứng khi họ quay trở lại. Nhiều khi trạng thái tâm lý này bị nhầm lẫn với độ “dễ dàng” của trẻ nhưng Ainsworth and Bell đã chứng minh rằng đây thực sự là một lớp vỏ khác của sự căng thẳng, và trên thực tế nó phản ánh ngay trong nhịp tim của những đứa trẻ này. Rối loạn đeo bám phát triển từ nỗi sợ hãi không có lối thoát.Phụ huynh có thể dọa nạt, làm cho con hoảng sợ bằng các cách vô thức khác nhau. Có thể là qua lạm dụng, hoặc bỏ mawck nhưng cũng thể là qua những tổn thương hoặc mất mát trong chính cuộc sống của cha mẹ khiến bản thân họ trở nên sợ hãi, và điều này, một cách vô thức, khiến cho đứa trẻ sợ sệt.

Trên thực tế, hiểu và đáp ứng đúng cách nhu cầu xúc cảm và giao tiếp của trẻ ở mức độ vừa phải là rất quan trọng để thiết lập cho bé một nền tảng an tâm vừa đủ để khích lệ trẻ trở nên độc lập. Nhiều phụ huynh nhầm lẫn giữa việc thiết lập sự gắn bó an tâm với việc đáp ứng ngay lập tức và thay trẻ giải quyết mọi vấn đề. Việc đáp ứng quá mức các nhu cầu của trẻ sẽ tăng cường độ phụ thuộc của trẻ đối với người chăm sóc, và từ đó dẫn con bạn rơi vào ba trạng thái gắn bó một cách bất an và thiếu tự tin trong các giao tiếp xã hội, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ thành công về mặt xã hội của trẻ cũng như gây ức chế phát triển cho trí tuệ xúc cảm cũng như phát triển các kỹ năng cần thiết. Bởi vậy hành trình của những đứa trẻ tự tin, an tâm và biết cách kiểm soát cảm xúc hoàn toàn không phải là một hành trình toàn hoa và nắng, nó là sự vượt lên khỏi nước mắt, cảm xúc bị tổn thương, sự hoang mang và quá trình khó khăn tự điều chỉnh bản thân để thích ứng với các hoàn cảnh sống.

Mọi đứa trẻ cần phải học cách thích ứng và giải quyết các trạng thái khó khăn một cách độc lập, và để làm được điều đó, quan trọng nhất với người làm cha mẹ là bạn cần phải tin tưởng và cho con một khoảng không đủ rộng để con có thể tự lập, tự đối diện với vấn đề của chính mình. Bạn duy trì sự có mặt của mình ở mức độ trung bình, để trẻ có thể thích ứng với các khoảng không có và không có bạn. Bạn duy trì sự động viên, kiên trì và đồng hành cùng con, chứ không sống hộ hoặc đi hộ hành trình của đứa trẻ.

Trong chương sau chúng ta sẽ bàn đến chuyện giúp trẻ vượt qua sự lo lắng sợ hãi khi xa người thân, để đưa bé trở thành một cá thể mạnh mẽ, độc lập, tự tin và sẵn sàng khám phá.

 

Ngô Thanh Giang (M.Ed)

Sáng lập viên hệ thống trường mầm non BEEs’

Website:https://www.bees.edu.vn

Fb: https://www.facebook.com/giang.bee.1105

PS. Vui lòng dẫn link nguồn và ghi chú tên tác giả khi bạn chia sẻ bài viết. Cảm ơn các bạn!

ĐĂNG KÍ NHẬN TIN

Các bài viết từ chuyên gia, sự kiện sắp diễn ra, kiến thức làm cha mẹ...