Sensory play (hoạt động chơi phát triển giác quan) là gì?
Tưởng tượng khi bạn đi trong rừng, khi đi trên bờ biển, hay khi đang dùng một cái thìa để trộn bùn trong một chiếc bát. Đâu là điểm chung của tất cả các hoạt động trên? Đó chính là mỗi trải nghiệm đều có sự tham gia của nhiều giác quan. Ví dụ như khi đi trong rừng, bạn có thể cảm thấy tiếng lạo xạo của lá cây dưới chân, mắt nhìn thấy ánh nắng mặt trời, mũi ngửi thấy mùi của lá cây, vỏ cây, tay có thể chạm vào những thân cây sù sì,… Tất cả đều được lột tả qua màu sắc, ánh sáng, âm thanh, cảm giác xúc giác, sự ấm áp, mùi và vị. Bây giờ hãy so sánh những cảm giác ấy với sự tập trung về thị giác và bản chất thụ động của việc xem tivi và chơi máy tính/ipad – những hoạt động chiếm một quỹ thời gian không nhỏ của trẻ em thời hiện đại. Ta có thể dễ dàng nhận thấy ngày nay cơ hội để trẻ thực sự chạm và nếm thường bị cấm đoán hoặc bị hạn chế ở các đồ chơi nhựa. Trẻ chủ yếu chơi ở trong nhà, với nhiệt độ phòng không đổi, và mùi vị hay âm thanh thực sự của môi trường bên ngoài đã bị che lấp. Tất cả những điều ấy khiến cho cuộc chơi của bé thiếu vắng/bị hạn chế về những trải nghiệm giác quan. Điều đó đối lập với những ký ức trẻ thơ sống động của bạn khi bạn được chạy chân trần trên cỏ, làm bánh bằng bùn, và ngửi những bông hoa hồng thơm ngát. Khi đó ta nhận ra sự hấp dẫn rõ ràng của việc chơi kết hợp nhiều giác quan và khái niệm “sensory play” bắt đầu thu hút sự chú ý của ta từ đây. Vậy “sensory play” là gì?
Sensory play khác các hoạt động chơi khác ở chỗ trọng tâm của nó là sự kích thích về các giác quan trong quá trình chơi. Phần lớn trẻ em được lập trình để có thể chơi Sensory play mà không cần hướng dẫn khi được đưa tới môi trường có cát, nước, bùn,… Tuy nhiên điều đáng buồn là ở Việt Nam, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, trẻ em thường bị hạn chế không được tiếp xúc với các hoạt động chơi này khi còn nhỏ dẫn đến sự dè dặt không dám chơi khi gặp môi trường chơi. Vì thế khi nói đến sensory play thì điều quan trọng nhất là trẻ em phải có đủ không gian, thời gian và sự cho phép để thực sự cảm nhận hết những khía cạnh của hoạt động và dụng cụ chơi phát triển giác quan.
Tầm quan trọng của hoạt động chơi phát triển giác quan:
Trẻ con tiếp nhận toàn bộ thông tin về thế giới xung quanh thông qua các giác quan của mình. Việc sử dụng các giác quan để tìm hiểu và khám phá thế giới là bản năng tự nhiên của trẻ. Tuy nhiên nếu nhận thức được tầm quan trọng của các hoạt động phát triển giác quan có chủ đích, giáo viên và phụ huynh sẽ có nhiều động lực và hiểu biết hơn để tạo môi trường kích thích giác quan cho trẻ và cho trẻ tham gia các hoạt động chơi phát triển giác quan.
PHÁT TRIỂN NÃO BỘ
Trẻ sơ sinh ra đời với 100 tỉ noron thần kinh, nhiều hơn số lượng trẻ cần cho việc học tập trong cả cuộc đời của mình. Điều quyết định sự thông minh của trẻ không phải là số lượng noron mà là số lượng kết nối của các nơ ron với nhau. Mỗi khi trẻ nhận được sự kích thích về giác quan thì một tế bào thần kinh sẽ được kết nốt với một tế bào thần kinh khác, tạo ra những liên kết mới trong não bộ. Mỗi kích thích mới thì sẽ thêm kết nối cho mạng lưới tế bào thần kinh trong khi mỗi kích thích được lặp lại sẽ tăng độ dày và sự chắc chắn của liên kết, giúp cho các tín hiệu truyền dẫn nhanh hơn trong não bộ (Nancy Wartik&Lavonne Carlson-Finnerty, 1993). Bằng cách này mà mỗi chúng ta sẽ tạo nên một hệ thống những liên kết tế bào thần kinh rất độc đáo của riêng chúng ta từ những trải nghiệm cảm quan độc đáo của riêng ta.Như vậy Sensory play đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tế bào thần kinh trong các đường dẫn thần kinh của bộ não đang phát triển, làm cho não trẻ phát triển hơn, chuẩn bị cho các bước phát triển nhận cao hơn.
TĂNG CƯỜNG TRÍ NHỚ
Sensory play hỗ trợ trong việc phát triển và tăng cường hoạt động của bộ nhớ. Trẻ nhỏ sử dụng tất cả các giác quan để khám phá các vật thể và ghi lại thông tin trong ký ức của chúng. Ngoài ra, khi trẻ có kinh nghiệm cảm giác, chúng sẽ lưu giữ toàn bộ trải nghiệm của cơ thể mình trong “bộ nhớ cảm giác”. Chúng ta sử dụng bộ nhớ cảm giác để bắt đầu quá trình hiểu và đạt được kiến thức. Việc trẻ được tham gia các hoạt động phát triển giác quan đều đặn, sẽ bồi đắp thêm các trải nghiệm và giúp bộ nhớ lưu giữ tốt hơn.
PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC, KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG VÀ KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Sensory play giúp trẻ phát triển nhận thức, kỹ năng vận động và kỹ năng giải quyết vấn đề. Trong khi chơi với đồ vật, việc sử dụng kết hợp các giác quan giúp trẻ hình thành kỹ năng nhận thức. Kỹ năng nhận thức là những kỹ năng mà chúng ta sử dụng khi giải quyết vấn đề và tạo ra những ý tưởng mới từ những ý tưởng hiện tại. Quá trình giải quyết vấn đề bắt đầu bằng việc quan sát, tức là ghi nhớ lại những đặc tính của đồ vật. Ví dụ, khi một đứa trẻ chơi với quả bóng bằng bông. Trẻ nhìn, cầm bóng trong tay, cho vào miệng gặm…Tất cả những việc này giúp trẻ hình thành nhận thức về các đặc tính như màu sắc, hình dạng, mùi vị, độ thô ráp, tính cứng mềm,… của quả bóng. Nếu như quả bóng to trẻ không thể cầm bằng một tay, trẻ sẽ tìm các dùng hai tay để nâng bóng lên, đấy chính là kỹ năng giải quyết vấn đề ở mức độ đơn giản. Về kỹ năng vận động, có hai loại kỹ năng vận động chính: kỹ năng vận động thô và kỹ năng vận động kinh. Kỹ năng vận động thô liên quan đến sự phối hợp của các nhóm cơ lớn và chịu trách nhiệm về các hoạt động như bò, trườn, chạy, đi bộ, v.v. Các hoạt động như đi bộ/bò vượt chướng ngại vật, lộn đầu, nhảy múa,… giúp phát triển các kỹ năng này. Kỹ năng vận động tinh là những kỹ năng đòi hỏi khả năng sử dụng và phối hợp các nhóm cơ nhỏ và rất quan trọng đối với việc viết lách, buộc giày dép, đóng cúc, kéo khóa, và rất nhiều hành động khác. Việc chơi cảm giác thường liên quan đến việc sử dụng và xây dựng các kỹ năng vận động tinh bằng cách khám phá những đồ chơi bằng cách sử dụng các cử động cầm nắm, đổ rót, xâu dây,…
PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ, TƯƠNG TÁC XÃ HỘI
Sensory play hỗ trợ phát triển ngôn ngữ, tương tác xã hội. Khi chơi sensory play trẻ được tương tác môi trường phong phú về màu sắc, chất liệu, hình dạng, âm thanh, chuyển động,… Qua đó, chúng học cách phát triển ý nghĩ, cảm xúc, sự so sánh và ngôn ngữ liên quan đến những đồ vật được tiếp xúc. Đây chính là cơ hội để bố mẹ giới thiệu với trẻ các từ mô tả đặc điểm của các đồ vật như vuông tròn, xanh đỏ, nhẵn thô ráp, nóng lạnh,… để làm tăng vốn từ cho trẻ đồng thời lắng nghe, phản hồi về những suy nghĩ, cảm xúc của trẻ trong quá trình chơi.
GIÚP TRẺ BÌNH TĨNH
Sensory play là một phương pháp hiệu quả để làm dịu một đứa trẻ đang lo lắng và căng thẳng. Giống như trẻ sơ sinh (đặc biệt là trẻ sinh non) học cách điều chỉnh nhịp thở, nhịp tim, và nhiệt độ cơ thể thông qua một nguồn bên ngoài (như phương pháp da tiếp xúc với mẹ), trẻ lớn hơn thường cần một nguồn bên ngoài để học cách để điều chỉnh phản ứng sinh lý và cảm xúc của chúng đối với những nguồn gây căng thẳng. Trong những trường hợp này, ngoài việc giữ thái độ bình tĩnh, bố mẹ có thể thấy việc cho trẻ tắm, chơi với nước, chơi với cát, sử dụng sensory bottle, bế trẻ đung đưa, chơi fidget toys… sẽ giúp trẻ bớt căng thẳng, lo lắng. Đây cũng là biện pháp thường được các nhà trị liệu sử dụng cho trẻ tự kỷ, trẻ bị rối loạn chức năng điều hòa cảm giác.
(Nguồn bài viết: RIE Parent Hub)
Với lứa tuổi 6-24m, mỗi ngày tại BEEs là mỗi ngày thỏa sức khám phá và trải nghiệm các hoạt động Sensory Play của các bé. Dưới nền tảng phương pháp Reggio Emilia, sự phong phú và đa dạng ở các học liệu cùng môi trường học tập mở, các bé được tự do phát triển tối ưu về thể chất, tư duy và tinh thần. Bố mẹ cùng xem những giờ học Sensory Play đầy say mê và hứng khởi của chúng con nhé!
______________________________________________________________
Trường mầm non BEEs’ Hoa Trà My
Lô A4/NT1 Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội
0344555028 – 024 6688 5028
https://www.facebook.com/beeshoatramy