NHỮNG KỸ NĂNG TRẺ CẦN CÓ TRƯỚC KHI VÀO LỚP 1 (Phần 1)
Tiểu học là một chặng đường hoàn toàn mới mẻ với bất kỳ một em nhỏ nào. Và lớp 1 là cánh cổng để đi vào con đường ấy, những yêu cầu cao hơn và khó hơn về mọi mặt của sự phát triển, đặc biệt là về nhận thức, tư duy và xã hội. Từ kinh nghiệm của bản thân và qua quan sát trên rất nhiều học sinh tiểu học, tôi nhận thấy một điều rằng những đứa trẻ của chúng ta đang phải học-vì-người-khác, chứ không phải vì chính bản thân chúng. Lâu dần, chúng trở nên thờ ơ với việc học và đánh mất dần động lực học-để-khám-phá. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đánh mất động lực và học thiếu hiệu quả ở bậc tiểu học. Và trong đó phải kể đến một trong số những nguyên nhân chính, đó là sự thiếu sự chuẩn bị ở bậc học trước. Sự thiếu chuẩn bị sẽ khiến cho nền tảng phát triển về tư duy, nhận thức và xã hội của trẻ bị thiếu vững chắc, và khiến đứa trẻ mất nhiều thời gian hơn vì vừa phải xây dựng các kỹ năng từ đầu và vừa phải chạy đuổi theo các yêu cầu cao hơn từ chương trình học chính thống. Những thành công ban đầu ở bậc tiểu học là rất quan trọng đối với trạng thái cảm xúc tích cực dành cho việc học của mỗi đứa trẻ. Bởi vậy, sẽ rất tốt nếu con bạn được chuẩn bị các kỹ năng dưới đây trước khi vào lớp 1.
LÒNG TỰ TIN
Lòng tự tin là một yếu tố quan trọng bậc nhất, quyết định đến 80% độ thành công của một đứa trẻ ở trong bất cứ môi trường nào. Lòng tự tin sinh ra từ một môi trường nuôi dưỡng và giáo dục đầy tình yêu thương, sự cổ vũ và khuyến khích tích cực để đứa trẻ có thể tự thể hiện bản thân mình với mọi năng lực, phẩm chất hay và không hay của chúng. Lòng tự tin nảy sinh từ những người lớn am hiểu, chia sẻ, có trách nhiệm và biết yêu thương đến từ gia đình, từ trường mẫu giáo, từ cộng đồng nơi đứa trẻ lớn lên. Có lòng tự tin, đứa trẻ có thêm động lực để chinh phục mọi thứ bên ngoài tầm tay của chúng.
CÁC KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG
Các kỹ năng vận động tinh cần phải được chuẩn bị sẵn sàng để trẻ có thể tiếp nhận một thách thức đỉnh cao trong các thách thức kỹ năng: Viết. Viết là kỹ năng phối hợp lực gắp của các ngón tay, bàn tay, cổ tay và đôi mắt để định vị và điều chỉnh vận động. Việc chuẩn bị và luyện tập điều khiển và phối hợp các cơ vận động tinh cần phải được thực hiện trong suốt 6 năm đầu đời của trẻ thông qua các kỹ năng cầm nắm đồ ăn (6 tháng), kỹ năng sử dụng bàn tay, ngón tay, cách sử dụng các loại dụng cụ để viết từ to đến nhỏ, kỹ năng sử dụng kéo…
Các kỹ năng vận động thô sử dụng cánh tay, cẳng chân, và toàn bộ cơ thể cũng cần phải được chuẩn bị sẵn sàng để bé trở nên nhanh nhẹn, tháo vát và có thể điều chỉnh phối hợp nhịp nhàng toàn cơ thể. Từ 6 tuổi, trẻ sẽ vận động nhiều hơn, mạnh hơn, đa dạng hơn và tinh hoa hơn trên nền tảng các kỹ năng vận động thô đã được chuẩn bị sẵn. Trẻ tiếp cận đến các môn thể thao đa dạng và sự vận động chuyên sâu sẽ vừa xây dựng một cơ chế làm việc lành mạnh cho não bộ, sức khỏe dẻo dai và bền bỉ cho cơ thể và vừa hỗ trợ học tập hiệu quả.
CÁC KỸ NĂNG SỬ DỤNG NGÔN NGỮ
Rất nhiều học sinh tốt nghiệp mầm non mà khả năng nói chưa gãy gọn, khả năng dùng từ yếu, việc nói cả câu dài cũng là một khó khăn đối với chúng, chưa nói đến việc phải dùng ngôn ngữ để tranh luận và thuyết phục người khác. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho trẻ khi phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng khó của các giờ học tiếng Việt. Đó là lý do vì sao mỗi học sinh trước khi vào lớp 1 cần phải được chuẩn bị những cấp đơn giản đầu tiên của kỹ năng sử dụng ngôn ngữ nói. Lớp 1 cũng là nơi mọi thứ thay đổi, phương pháp học mà chúng ta đang áp dụng đại trà tại các cấp phổ thông là phương pháp học thông qua nghe, có nghĩa là cô giáo giảng bài, học sinh nghe và hiểu. Do đó, kỹ năng nghe phản ánh cần phải được chuẩn bị đầy đủ để đảm bảo rằng trẻ có thể hiểu được và nắm được các thông tin bằng cách sử dụng đối tai và khả năng tư duy của bộ não.
Kỹ năng đọc được xác định là bắt đầu xây dựng từ lớp 1. Tuy vậy, để hành trình của mỗi đứa trẻ trở nên tối ưu hơn, thì việc chuẩn bị cho trẻ nhớ thụ động bằng chữ cái và các quy tắc ghép vần và phụ âm là một điều cực kỳ quan trọng. Những điều này chúng ta hoàn toàn có thể giúp trẻ nắm bắt từ những năm vàng trong khoảng thời gian 0-6 tuổi, khi trí nhớ của đứa trẻ hoạt động mạnh gấp 3 lần một sinh viên đại học thông thường. Tuy vậy, việc chụp hình thụ động chữ theo một số phương pháp học như Glen Doman lại không mang lại ưu thế cho trẻ khi bước vào lớp 1 và học đọc theo cách tiếp cận cấu tạo thành tố. Kỹ năng viết: Vui lòng xem kỹ năng vận động tinh.
NHÓM KỸ NĂNG TƯ DUY
Kỹ năng tư duy cần được xây dựng và hình thành từ suốt 6 năm đầu đời của trẻ thông qua việc kết nối các thông tin nhận thức đơn lẻ và kết hợp chúng theo các cách tổ hợp khác nhau để dẫn những suy luận đơn giản đầu tiên. Sự lặp lại và chuẩn bị có mục đích cho các kỹ năng tư duy là để trẻ có thể dần dần đạt đến những bậc cao hơn trong suy nghĩ và sâu hơn trong việc tìm hiểu về vấn đề, cũng như rộng hơn về độ phủ của vấn đề mà mình gặp phải. Kỹ năng logic cơ bản từ toán học: Để giúp trẻ có thể dễ dàng thành công với môn toán ở bậc tiểu học, thì trước khi vào lớp 1, nhất định cần biết đếm chính xác, và có khả năng ghép đôi hai khái niệm “số lượng” và “chữ số”. Số lượng là nhìn thấy được, và chữ số là một khái niệm biểu tượng trừu tượng hơn. Thực tế là nhiều trẻ em gặp rất nhiều khó khăn khi ghép đôi khái niệm và tư duy chúng “là một”. Bên cạnh đó các phép tính đơn giản thêm bớt số lượng hoặc cộng trừ trên chữ số dưới 10, hoặc các quy tắc, quy luật theo nhóm, cũng là những yếu tố mang tính quan trọng để trẻ có thể sẵn sàng với môn toán ở bậc tiểu học.
Kỹ năng tư duy đa chiều cũng là một trong những kỹ năng cần và có thể dạy cho trẻ từ 6 năm đầu đời và thông thường nó được dạy qua những tình huống phong phú, đặc biệt là những ca kỷ luật tích cực ở lớp và ở nhà hoặc các giờ học mang tính thảo luận về các vấn đề xã hội ở các phạm vi phù hợp với trẻ.
NHÓM KỸ NĂNG CẢM XÚC VÀ NHÓM KỸ NĂNG XÃ HỘI (Còn tiếp, mời phụ huynh đón đọc Phần 2)
_Tác giả: Ths. Ngô Thanh Giang – Nhà sáng lập, TGĐ điều hành Hệ thống mầm non BEEs’ Education