Những đứa trẻ có cánh
Khi còn bé, tôi từng là một cô bé có rất nhiều mơ mộng. Tôi say sưa với những chuyến phiêu lưu cùng lũ trẻ con hàng xóm, qua những buổi trưa nắng gắt, qua những con đường và những cánh đồng đầy châu chấu và chuồn chuồn. Tôi mê mải với mọi thứ xung quanh mình. Có một ngày, tôi tìm thấy những cuốn sổ bìa da bé bằng bàn tay, trong đó là những mẩu nhật ký của bố về tuổi thơ của bố. Thế là tôi cũng bắt đầu viết, về cuộc sống của mình và những thứ diễn ra trong ấy hàng ngày.
Đến năm lớp 7, tôi và một người bạn thân cùng nhau soạn một tờ tuần báo, và đặt tên là tuần báo Nhí Nhố, nó có đầy đủ các chương mục khác nhau. Bắt đầu từ lúc ấy, tôi mơ trở thành nhà báo. Lên lớp 10, tôi còn mơ ước trở thành một phóng viên quốc tế của CNN. Rồi các ước mơ khác liên tục xuất hiện, khiến cho gia đình tôi có tí hoảng hốt. Một thời tôi tuyên bố sẽ trở thành một nhà tạo mốt nổi tiếng nhất Việt nam. Sau đó ít lâu, tôi muốn có một hệ thống cửa hàng xôi ngon nhất Việt Nam ^^… Tôi có nhiều mơ ước đến nỗi bố mẹ tôi cũng đâm ra nghi ngờ và thiếu tin tưởng vào khả năng nhất quán mà tôi có để thực sự thực hiện một ước mơ nào đó. Nhưng cùng lúc, những mơ ước cứ đẩy tôi về phía trước, khiến tôi học hỏi và nghiên cứu nhiều hơn. Và giờ, khi nhìn lại, tôi mới thấy rằng, ngoài việc tôi vẫn luôn là một cô bé thiếu tự tin để thể hiện bản thân mình ra thì tuổi thơ của tôi quả thật là một tuổi thơ đáng nhớ.
Đến bây giờ, khi tôi thật sự tìm được đam mê của cuộc đời mình, và hiểu được hết những năng lực mình có, thì các mơ ước của tôi dần dần đươc định hình và chúng bắt đầu xếp hàng để đợi đến lượt mình trở thành hiện thực. Cuộc sống có đam mê và mơ ước là một cuộc sống cứ bay bay đi về phía trước, đầy sắc màu, đầy thử thách, đầy niềm vui khám phá, đầy cảm giác từng bước tự chinh phục bản thân mình. Cuộc sống ấy đẹp đến nỗi tôi cũng muốn những đứa trẻ của mình có đôi cánh giống tôi, để lúc nào chúng cũng luôn thấy hạnh phúc. Thế vận hội Rio 2016, đoàn vận động viên của Mỹ với 550 tuyển thủ tham dự cuộc đua tài tầm thế giới, đã đứng đầu trong bảng tổng sắp huy chương. Và trong 550 tuyển thủ ấy, có 430 vận động viên đến từ các trường đại học.
Thế vận hội là nơi hội tụ của những con người tài năng nhất, đam mê nhất, nỗ lực nhất và kiên trì nhất trong 6 tỷ người trên toàn thế giới. Mỹ mang đến đoàn vận động viên gồm nhiều sinh viên đại học và họ đến Rio với tinh thần thể thao đúng nghĩa của lịch sử Thế vận hội hiện đại. Mệnh danh “quỷ tốc độ”, “tay bơi cừ khôi nhất” hoặc “vận động viên vĩ đại nhất thế giới hiện nay”, Katie Ledecky 19 tuổi, khi Rio 2016 kết thúc, sẽ trở về Mỹ (với tấm huy chương vàng) và trở lại giảng đường Stanford. Cùng đến Rio với Katie Ledecky là 30 sinh viên lẫn cựu sinh viên Stanford khác. Sinh viên Stanford tham gia nhiều môn: bơi, lặn, polo nước, chèo thuyền, bóng đá, tennis, volley, rugby, nhảy rào… Suốt từ năm 1912 đến nay, sinh viên Stanford luôn mang về ít nhất một huy chương Olympics.
Không chỉ Stanford, tổng cộng có đến 75% vận động viên trong US Team là sinh viên hoặc cựu sinh viên. Năm nay, Đại học Florida mang đến 11 vận động viên (tương tự Đại học Washington, Princeton và Georgia); Đại học Texas có 12; Đại học California-Berkeley và California-Los Angeles đều có 16… Điều đó cho thấy hệ thống đại học Mỹ có môi trường thể thao tốt như thế nào. Giáo dục Mỹ luôn nhấn mạnh việc bồi đắp tinh thần thể thao và thúc đẩy đam mê quan trọng không kém xây dựng kiến thức. Với nhiều trường, sinh hoạt thể thao và tham gia thế vận hội đã trở thành truyền thống lâu đời. Giáo dục đại học Mỹ luôn tự hào về điều đó. Từ Thế vận hội Hè 1904 đến Thế vận hội Đông 2014, Đại học Southern California (USC) đã đóng góp tổng cộng 423 vận động viên; giành 288 huy chương (135 huy chương vàng) trong đó có ít nhất một huy chương vàng tại mỗi Thế vận hội mùa hè kể từ 1912 đến nay! Nếu USC thi đấu với vị trí như một quốc gia thì họ xếp hạng 16 thế giới!
Tôi chép lại những điều này để khẳng định rằng, những người trẻ của thế giới, ai cũng mang trong mình những ước mơ, những đam mê và những khát khao nảy nở từ chính trái tim, tiềm năng và quyết tâm của bản thân mình và để vươn lên những vị trí dẫn đầu đầy vinh quang. Và tôi nhắc lại những điều này, để khẳng định rằng chúng ta, và những đứa trẻ của chúng ta cũng sẽ không nằm trong ngoại lệ, nếu chúng ta biết cách xây dựng ước mơ và đam mê mỗi ngày. Bởi vậy… hãy mơ đi, và đừng dừng lại. Mỗi giấc mơ sẽ mang đến cho bạn một động lực để đạt đến một kỹ năng nào đó. Càng có nhiều mơ ước, bạn sẽ càng dễ dàng tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình. Vậy làm thế nào để chắp thêm đôi cánh đam mê và mơ ước cho những đứa trẻ của chúng ta? Câu hỏi chẳng hề là quá khó. Chỉ cần làm được có 6 điều này thôi, bạn đã có thể tạo ra một sự khác biệt kỳ diệu cho những đứa trẻ của mình.
1. Hãy để mỗi đứa trẻ được là chính chúng
Mỗi đứa trẻ sinh ra có một khuynh hướng, một tính cách, những mối quan tâm và yêu thích khác nhau. Việc nhìn nhận đúng và để mỗi đứa trẻ được phép là chính mình, với đúng mức độ năng lượng, với đúng những điều chúng tò mò quan tâm, với đúng những kỹ năng và say mê mà chúng có là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể khám phá được những năng lực và những chiếc mầm bé xíu của một thế giới đầy phong phú trong từng đứa trẻ. Ai cũng có một hành trình khám phá chính mình. Và hành trình đó sinh ra cùng đứa trẻ, những cánh cổng sẽ mở dần ra và rộng hơn, dẫn đứa trẻ đến với những chuyến phiêu lưu phía trước. Nhưng đôi khi sự can thiệp của người lớn đã làm thay đổi những hành trình ấy, khiến đứa trẻ đi trên những con đường không phải là của chúng. Để cuối cùng khi lớn lên và ra đời, chúng lại phải vất vả đi tìm lại chính mình. Nếu chúng ta để mỗi đứa trẻ được làm chính mình, thì chúng ta chỉ cần đi bên cạnh chúng, yêu thương chúng, mang lại cảm giác an toàn và tôn trọng cho chúng, chiêm ngưỡng quá trình trưởng thành của chúng, nhắc nhở và chỉ dẫn khi chúng thử và sai, còn đâu, tất cả những thôi thúc nội tại sẽ dẫn đứa trẻ đi về phía trước.
Tình yêu thương, sự tôn trọng và sự chỉ dẫn tích cực một cách nhất quán ở nhà và ở trường sẽ giúp cho mỗi đứa trẻ xây dựng được lòng tự tin vững chắc. Chúng phấn khích và hào hứng hơn với con đường của chính mình, chúng vui vẻ và lạc quan, và sẵn sàng thử và sai theo những cách tích cực nhất. Sự phấn khích, lạc quan và cảm hứng mang lại nguồn năng lượng tươi mới, khiến cho đứa trẻ tự đẩy chúng về phía trước, tự đào sâu nghiên cứu và học hỏi, tự khởi đầu và chiếm lĩnh cơ hội của chính mình, tự xây dựng các mối quan hệ và tận dụng tối ưu mọi nguồn lực mình có để tự hoàn thiện những hiểu biết và rộng mở những khám phá của mình trên những thế mạnh mà chúng yêu thích. Và chỉ bằng cách để mỗi đứa trẻ được là chính mình, bạn đồng thời cũng xây dựng cho con những nền tảng trí tuệ cảm xúc mạnh mẽ và tích cực.
Hãy nhớ rằng không có động lực nào mạnh và bền bỉ hơn động lực xuất phát từ trong chính mọi đứa trẻ. Và động lực ấy là ngọn lửa sẽ thổi bùng những đam mê cháy bỏng của bất cứ một con người nào.
2. Cho trẻ những trải nghiệm sâu sắc, đa dạng và chuyên biệt qua những thử thách và cơ hội thể hiện năng lực của bản thân
Những trải nghiệm sẽ luôn để lại cho trẻ những điều mới mẻ, và bởi thế, càng cần nhiều trải nghiệm đa dạng thì cũng càng cần nhiều trải nghiệm chuyên sâu. Trải nghiệm đa dạng cho phép chúng ta nhìn thấy rõ rệt hơn các khuynh hướng sở thích và đam mê cũng như sở trường của trẻ, giúp hình thành nên những kỹ năng nền tảng để chuẩn bị cho trẻ tiếp nhận các thử thách và trải nghiệm chuyên sâu hơn trong những phân vùng mà đứa trẻ lựa chọn theo hứng thú và sự quan tâm của mình. Mỗi một lĩnh vực quan tâm sẽ mang lại những cơ hội để trẻ mở rộng và đào sâu những kiến thức của mình có, trả lời những câu hỏi phát sinh trong quá trình tự học hỏi và tư duy, và thiết lập kết nối để dẫn đến những câu hỏi mới, sự tò mò mới và những chuyến phiêu lưu cứ thế mà trở nên bất tận.
Càng trải qua nhiều thách thức, đứa trẻ càng trưởng thành mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trên con đường đi mà chúng chọn. Chúng ý thức hơn về việc nắm bắt cơ hội và thậm chí hơn một bước nữa, những động lực và đam mê sẵn có sẽ khiến chúng dấn thêm một bước để tự tạo ra cơ hội cho chính mình. Bởi lẽ đó, tôi tin rằng đam mê và ước mơ chính là đôi cánh của bất cứ một con người nào.
3. Khuyến khích tư duy ngoài chiếc hộp
Bạn đã bao giờ phiền lòng vì những câu hỏi của đứa trẻ? Những câu hỏi, những ý tưởng dường như điên rồ lại là bằng chứng của năng lực tư duy tự do và sáng tạo. Trẻ con sinh ra đã có những khát khao và động lực riêng để tìm hiểu và khám phá về thế giới theo cách của chúng. Việc của chúng ta với tư cách là những người đồng hành là làm thế nào để kích thích được niềm khao khát học hỏi, chứ không phải can thiệp thô lỗ vào sự tò mò hồn nhiên của chúng. Cách để khuyến khích đứa trẻ thêm khát khao, thêm động lực và thêm đam mê, là đặt các câu hỏi mở để khuyến khích tư duy của trẻ vượt ra ngoài các biên giới thông thường, để lắng nghe đứa trẻ trả lời chúng ta bằng những điều chúng ta không ngờ tới. Mục đích của việc đặt câu hỏi và chấp nhận những suy nghĩ khác biệt là để giúp đứa trẻ tự nhìn và đánh giá chính vấn đề của chúng từ nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Hãy lắng nghe khi một đứa trẻ trả lời. Hãy thật sự quan tâm đến câu trả lời của chúng. Đừng chỉ trích hay cố sửa chúng, mà hãy chỉ đặt thêm các câu hỏi nữa xoay quanh vấn đề trọng tâm của câu trả lời. Khuyến khích trẻ dành thêm thời gian suy nghĩ, phát triển vấn đề, tìm kiếm thông tin để làm giàu hơn nữa những ý tưởng sơ khai của chúng. Những đứa trẻ sẽ vô cùng hạnh phúc khi nói cho những người chúng yêu quý biết về những điều chúng nghĩ, chúng sẽ càng hạnh phúc hơn khi biết những suy nghĩ của mình được chấp nhận, được lắng nghe và được trân trọng.
Tư duy ngoài chiếc hộp sẽ giúp cho mỗi đứa trẻ tìm ra những con đường hiệu quả hơn để chạy theo những đam mê và sở thích của mình, thách thức chúng thử và sai và làm lại, cho chúng cơ hội để nắm chắc phần thành công trong tay mình, và khiến chúng thoải mái với sự khác biệt và đặc biệt của bản thân.
Đừng bao giờ dùng suy nghĩ của người lớn để đo suy nghĩ của trẻ con, bởi như thế không khác nào bạn đang dùng thước dây để đo ánh sáng.
4. Chọn cho con những người dẫn đường đam mê
Mỗi đứa trẻ trong mỗi giai đoạn cuộc đời đều sẽ cần một người dẫn đường của chúng, một người chia sẻ cho chúng những đam mê và khát khao của họ chỉ bằng cách hết lòng hết sức yêu việc mình làm và yêu việc dẫn đường cho chúng. Đam mê là năng lượng, và năng lượng của mỗi một người thắp đèn sẽ lan tỏa và thắp nên năng lượng của từng đứa trẻ.
Những người thắp đèn, những người dẫn đường đều từng có một thời tự dò dẫm để đi, có khi họ thiếu mọi thứ và mọi điều kiện họ cần để trở nên mạnh mẽ hơn nữa trên con đường của họ, nhưng họ là những người không bao giờ thiếu lòng kiêu hãnh của những kẻ đam mê và động lực kỳ diệu để họ tiếp tục đứng dậy và vươn lên sau mỗi thất bại. Những người dẫn đường chia sẻ những nỗi tò mò, những niềm hứng thú, những sự phấn khích của đứa trẻ khi chúng nảy sinh ra những câu hỏi mới, những hứng thúc mới và khuyến khích chúng tiếp tục chấp nhận những thử thách lớn hơn và cao hơn.
Khi những người dẫn đường đứng lại cạnh nhau, họ tạo ra một bầu không khí đầy năng lượng tích cực của đam mê, nhiệt huyết, sự am hiểu sâu sắc và những trí tuệ tự do. Bầu không khí ấy là dành cho những đứa trẻ được hít thở, để lớn lên và mang những đam mê như những phép màu từ trong chính cơ thể của chúng.
Những người dẫn đường đam mê hiểu con bạn theo cách bạn không thể nào hiểu được chúng, họ chạm đến con bạn theo cách mà họ từng khao khát có người chạm đến mình. Những người dẫn đường đam mê là những người giữ lửa, để nuôi dưỡng những ước mơ nhỏ bé của trẻ thơ.
Bởi vậy Kevin Spacey mới có câu nói rằng “if you are lucky enough to do well, it’s your responsibility to send the elevator back down”. Hãy gửi con bạn lên một chuyến tàu mơ ước, bên cạnh những người hoa tiêu thật sự tài giỏi và yêu thích sâu sắc việc “lái tàu” họ đang làm.
5. Đặt con bạn trong một cộng đồng có chung giá trị, một cộng đồng chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt
Cộng đồng xung quanh là môi trường sẽ định hướng giá trị cho mỗi đứa trẻ, là nơi sẽ khiến những thế mạnh, sở thích, đam mê và khuynh hướng của đứa trẻ xoay theo chiều tích cực hoặc tiêu cực, kích thích hoặc làm chậm đi quá trình phát triển và làm giàu mơ ước cho chúng. Bởi vì đối với những đứa trẻ, bạn có khi còn quan trọng hơn cả gia đình, thời gian chúng dành với bạn của mình chiếm đến 80% tổng quỹ thời gian hoạt động một ngày mà chúng nó. Bạn bè là người chia sẻ là người cùng phát triển hoặc vùi dập những ý tưởng mới. Bạn bè quyết định xem chúng có chấp nhận hay không chấp nhận một cá nhân nào đó trong vòng tròn của chúng. Bạn bè là yếu tố làm cho đứa trẻ cảm thấy mình có chốn để thuộc về hoặc mình là người cô đơn nhất thế giới.
Những đứa trẻ càng khác biệt sẽ càng thấy cô đơn trên đời, bởi vì rất khó có thể tìm ai hiểu được chúng, đi đến tận cùng được những suy nghĩ, mong đợi và chia sẻ được những khó khăn và bất lực của chúng, bởi vì chúng sinh ra một cách đặc biệt mà lại không đi kèm với một cuốn hướng dẫn sử dụng nào. Những đứa trẻ càng có nhiều ý tưởng thì lại càng có khuynh hướng muốn khởi đầu mọi thứ hoàn toàn mới mẻ và không giống ai. Đứa trẻ có tố chất lãnh đạo lại càng có khuynh hướng muốn kiểm soát và định hướng những người xung quanh mình bất chấp mong muốn cá nhân của họ. Những đứa trẻ càng có tiềm năng ở một lĩnh vực nào đó thì càng dễ gặp trở ngại hạn chế sự khám phá của mình trong chính những lĩnh vực đó. Bởi vì chúng vẫn còn là những đứa trẻ, và việc có đủ những kỹ năng để điều hòa các nhu cầu và nguyện vọng của bản thân đòi hỏi cả một quá trình thử và sai rất dài.
Bởi vậy lựa chọn một cộng đồng chung giá trị để mỗi đứa trẻ được lớn lên theo một cách khác nhau, mỗi đứa trẻ tìm được và đạt được những điều chúng muốn một cách tự nhiên và thành công là một điều quan trọng. Sự khác biệt có thể tạo nên những vẻ đẹp đa dạng nếu nó không bị vùi dập theo cách nghĩ và cách làm rập khuôn của những-người-lớn-đã-đánh-mất-tuổi-thơ-của-họ.
6. Hãy giúp đứa trẻ kỳ diệu của bạn làm chủ tất cả những kỹ năng mà chúng cần có
Rèn luyện kỹ năng là cách duy nhất để đứa trẻ mài sắc những năng lực thiên bẩm của mình và mạnh mẽ hăng say hơn khi lao vào khám phá những điều chúng yêu thích. Rèn luyện kỹ năng là một quá trình lâu dài của việc thử và sai và thử lại, trong những tình huống và tương tác chỉ của riêng đứa trẻ mà thôi. Kỹ năng là thứ không ai rèn luyện được cho bạn ngoài chính bản thân mình. Và bởi lẽ đó, là một người nuôi những giấc mơ, bạn chỉ có thể đi bên cạnh và định hướng đứa trẻ đến những điều chúng cần. Một cuốn sách, một lời khen, một sự tưởng thưởng, những cơ hội trải nghiệm mới, những người bạn mới, một thứ công cụ,… là những thứ bạn có thể mang lại cho bất cứ một đứa trẻ nào để khuyến khích chúng bắt đầu làm chủ những kỹ năng mới.
Bạn nghĩ thử xem, những đứa trẻ có khuynh hướng thị giác sẽ cần có những kỹ năng gì? Rõ ràng là kỹ năng vẽ, vẽ phác thảo, vẽ màu; rồi thì kỹ năng viết tay, ghi chép; rồi thì sự hiểu biết và phối hợp của màu sắc, đường nét, hình dáng, chất liệu, sáng tối; rồi thì các công cụ tư duy thị giác, kỹ năng quản lý thời gian và nguồn lực để tối ưu hóa những trải nghiệm say mê của bản thân, rồi thì những suy nghĩ, tư duy từ bộ phim hay, những cuốn sách đẹp, hoặc là những kỹ năng viết để tự khởi đầu cuốn sách tranh kỳ diệu của chúng…. Tất cả sẽ cùng nhau tạo thành những kỹ năng kỳ diệu giúp cho đứa trẻ làm chủ được những ước mơ và mê đắm của chính mình, ngày hôm nay và rất nhiều ngày sau đó.
Những con người của thế giới ngày nay là những con người đầy ắp đam mê và nhiệt huyết. Họ có thể mang trong mình rất nhiều mơ ước và cuộc đời họ là cuộc đời của những kẻ đi xây đắp ước mơ. Cuộc đời ấy là một hành trình đầy niềm vui, đầy sức mạnh, với những ý chí sắt đá để vượt qua thử thách và khẳng định bản thân mình. Và tôi tin rằng mọi đứa trẻ của chúng ta đều là những đứa trẻ của thế giới ngày sau. Những con người của thế giới ngày nay là những con người đầy ắp đam mê và nhiệt huyết. Họ có thể mang trong mình rất nhiều mơ ước và cuộc đời họ là cuộc đời của những kẻ đi xây đắp ước mơ. Cuộc đời ấy là một hành trình đầy niềm vui, đầy sức mạnh, với những ý chí sắt đá để vượt qua thử thách và khẳng định bản thân mình. Và tôi tin rằng mọi đứa trẻ của chúng ta đều là những đứa trẻ của thế giới ngày sau. Vì lẽ đó, hãy cùng ươm mầm mơ ước cho chúng từ ngày hôm nay. Bởi hạt giống mơ ước và đam mê ấy mới thật sự là hạt giống của sự hạnh phúc.
Tác giả: Ths. Ngô Thanh Giang
Người sáng lập Hệ thống Giáo dục BEEs – Jean Piaget