Mỗi đứa trẻ là một món quà – bạn đã nhận món quà của mình như thế nào?

Có một sự thật hiển nhiên là, trẻ em sinh ra ở bất cứ đâu trên thế giới này cũng đều là những món quà của cuộc sống. Và cũng có một sự thật hiển nhiên là, chúng ta, những người lớn, đã tự quyết định có nhận món quà ấy hay không. Khi bạn giơ tay ra đón lấy món quà của mình, bạn sẽ tìm cách khơi gợi, tìm hiểu món quà ấy, đặt nó vào những nơi đẹp nhất, để nó trở thành một phần của cuộc sống rực rỡ, huy hoàng. Khi bạn thờ ơ và coi thường món quà, chúng sẽ chỉ trở thành thứ đồ vật không quan trọng, nằm lăn lóc một xó nào đó của cuộc đời. Bạn chọn cách nào?

Mỗi đứa trẻ được sinh ra một cách bình đẳng. Nói một cách khoa học thì, vào lúc chào đời đứa trẻ nào cũng có 100 tỷ tế bào thần kinh – trừ những em bé bị sinh non, sẽ thiệt thòi hơn đôi chút. Vậy điều gì quyết định chuyện đứa trẻ này lớn lên sẽ có một cuộc sống tốt đẹp, sẽ có thể thay đổi thế giới, còn đứa trẻ khác thì không? Chúng ta đều giống nhau, có một cái đầu để suy nghĩ, có 5 giác quan hoàn hảo, có đôi bàn tay biết làm việc, có đôi chân để tự bước đi. Vậy chúng ta khác nhau ở điểm nào?

Chúng ta khác nhau ở suy nghĩ.

Tôi không hiểu vì sao người đời chê bai câu chuyện Thày bói xem voi. Ai bảo những ông thày bói sờ vào những con voi là những kẻ ngu ngốc chẳng biết gì! Họ chính là những người có giác quan cực tốt, tư duy hình tượng tuyệt vời, và là những người dám mó tay vào việc thật để tìm hiểu thật. Nhưng họ mang một tố chất cố hữu của những người tiểu nông: (1) nhìn thấy cây mà không thấy rừng; (2) nhân gian duy ngã độc tôn – chỉ có ý của ta mới là đúng nhất; (3) không có kỹ năng hợp tác, lắng nghe, thu thập và tổng hợp thông tin. Câu chuyện ngụ ngôn có cả hàng trăm năm nay mà chẳng ai hiểu ra lời gửi gắm đích thực của cố nhân, rằng hãy thay đổi cách giáo dục con người, rằng hãy dạy thế hệ sau cách thay đổi tư duy.

Chất lượng cuộc sống được thể hiện ở trình độ tư duy của mỗi cá nhân trong xã hội. Trình độ tư duy ấy bắt nguồn từ 6 năm đầu đời, và nó quyết định toàn bộ cuộc sống của bạn, nếu được định hướng đúng cách. Đáng tiếc rằng gíao dục của chúng ta, nền giáo dục gắn với cái ghế và cái bàn, cho mỗi đứa trẻ con một khoảng không chưa đủ mấy chục centimet vuông để lớn lên, chân không chạm đất, tay không chạm việc, gần như suốt 8 tiếng một ngày, và 18 năm cuộc đời. Chúng ta kỳ vọng gì ở những đứa trẻ mà cuộc đời ban tặng?

Có bao giờ chúng ta tự nhìn lại, và thấy rằng, những người thay đổi thế giới này có một tuổi thơ rong chơi đầy phóng túng, không trường lớp bàn ghế, không mô phạm quy phạm. Tuổi thơ của họ gắn chặt với cuộc đời, và thế giới của họ là thế giới không có chân trời. Trẻ con thế giới bây giờ được thả để hoà mình vào cuộc sống, còn Việt Nam chúng mình lại cứ thích nhốt con trong nhà, sợ con bẩn, sợ con ốm, sợ con bị bắt nạt. Đó chính là sự khác biệt ảnh hưởng thẳng đến chất lượng phát triển trẻ thơ. Cuối cùng, con cái của các bạn lớn lên, càng ngày càng thua sút thế hệ trước và thua sút trẻ em thế giới về mọi mặt. Chúng không biết tự lo cho bản thân mình – vì các bạn đang lo hộ chúng và không tự nguyện để chúng tự sống cuộc đời mình. Chúng không biết tự tư duy suy nghĩ – vì suốt 22 năm chúng sẽ được dạy rằng người giỏi là chuyên gia “copy and paste” dù là bất cứ môn học nào, bậc học nào và ngành học nào. Những đứa trẻ của chúng ta lớn lên hoàn toàn không biết chúng muốn gì, cần phải đạt đến cái gì, cuối cùng nếu không có sự can thiệp tích cực, chúng ta sẽ chỉ đào tạo ra một loại “công nhân” kiểu mới, những người chỉ biết cun cút làm theo sự sắp đặt của người khác.

Vậy, hãy đừng để việc đó xảy ra. Chúng ta hãy bắt đầu lại từ những ngày, những tháng đầu tiên khi đứa trẻ chào đời, hãy tìm hiểu xem món quà của con bạn là gì, hãy dạy cho chúng cách suy nghĩ từ góc độ riêng, tiềm năng riêng của mình, để cho chúng tự mình lao vào cuộc sống, dám thử, dám sai và dám nhìn nhận đúng, để rút kinh nghiệm và thử lại. Hãy phá bỏ những bức tường (vô hình ~ như tâm lý, cảm xúc, văn hoá, thói quen của bạn; hoặc hữu hình ~ như chính những căn nhà mà chúng ta giữ trẻ bên trong) vốn đang cầm tù những tài năng bé nhỏ, hãy để cho những đứa trẻ được lớn lên dưới ánh mặt trời, chăm chú quan sát sự chuyển động nhẹ nhàng của thiên nhiên và cuộc sống, tự nhiên tương tác với môi trường xã hôi phức tạp xung quanh, hình thành nên những quan niệm và lý giải riêng về cuộc sống.

Đó là cách trẻ em thế giới đang lớn lên ~ một ngày nào đó chúng sẽ trở thành chủ – còn chúng ta, nếu không tự thay đổi suy nghĩ của bản thân mình ~ sẽ tự biến con mình trở thành công nhân làm thuê với cuộc sống chật vật hàng ngày.

Hãy nhớ rằng, sự bao bọc của bạn sẽ mài mòn năng lực suy nghĩ và thích ứng của con mình. Có người mẹ nói với tôi rằng, cách tốt nhất mà mẹ có thể bảo vệ con trong xã hội này là giữ con ở nhà cho đến khi con đủ lớn thì mới cho đi học. Nhưng đủ lớn là như thế nào? Trong bốn bức tường, với chế độ dinh dưỡng sạch tuyệt đối, môi trường vô trùng và tách biệt với thế giới bên ngoài, con bạn có thể lớn lên về cơ thể – nhưng bạn đã tước đi của con mình một quá trình phát triển có chất lượng của não bộ. Hãy nhớ một điều rằng, đứa trẻ không bao giờ ốm vì được giữ gìn là một cá thể yếu. Vì sao bạn cố đi ngược lại quy luật chọn lọc tự nhiên? yêu con như vậy là đúng với cảm xúc của bạn nhưng lại không đúng với quy luật cúa cuộc sống.

Hãy dành vài phút để nghĩ cho con mình ngày hôm nay. Bạn muốn gì cho con?

Hãy đặt câu hỏi, để lại comment và tôi sẽ tiếp tục trao đổi quan điểm giáo dục của BEEs trong các note tiếp theo.

Ngô Thanh Giang (M.Ed)

Sáng lập viên hệ thống trường mầm non BEEs’

Website:https://www.bees.edu.vn

Fb: https://www.facebook.com/giang.bee.1105

Vui lòng dẫn link nguồn và ghi chú tên tác giả khi bạn chia sẻ bài viết. Cảm ơn các bạn!

ĐĂNG KÍ NHẬN TIN

Các bài viết từ chuyên gia, sự kiện sắp diễn ra, kiến thức làm cha mẹ...