Chapter 3 – Phát triển tư duy bằng học liệu
“Tôi thích cho trẻ con tương tác với đồ thật, bởi vì lúc đó là lúc chúng tư duy nghiêm túc và học cách làm chủ luôn những học liệu xung quanh mình. Đối với tôi, những loại học liệu tự nhiên và nguyên thủy luôn là khởi nguồn của mọi sự sáng tạo và mọi điều ngạc nhiên đứa trẻ có thể chỉ cho chúng ta.”
Chia sẻ của Thạc Sỹ Ngô Thanh Giang
Nhà sáng lập – BEEs’Education
Chiều nay tôi có đọc được một comment của một mẹ nhắn một mẹ khác về việc mua bộ xếp hình sẵn cho con thay vì để chúng tự làm. Suy nghĩ này chợt đến với tôi, rằng khi dạy con, đừng dùng đồ mua sẵn.
Như chúng ta đã biết từ các chương trước, não bộ của trẻ phát triển dựa trên các kích thích giác quan và sự phối hợp vận động thông qua trải nghiệm. Một trải nghiệm có ý nghĩa là trải nghiệm nhấn mạnh vào sự làm chủ của trẻ trong suốt quá trình chúng tương tác với sự vật hoặc sự việc xung quanh mình. Khi ấy, sự làm chủ quá trình khám phá khiến cho trẻ cảm thấy tự tin hơn, hưng phấn hơn, tập trung hơn và đương nhiên là hiểu biêt sâu sắc hơn rất nhiều so với việc chỉ tìm hiểu một cái gì đó mà không thực sự nắm được nguyên lý và bản chất của chúng.
Hãy tưởng tượng, bạn mua một món đồ chơi hình con ốc sên cho con. Và hãy nhớ lại ngày bạn còn nhỏ, bạn cùng lũ trẻ hàng xóm đi bắt những con ốc sên sau mỗi cơn mưa. Giờ hãy chỉ đơn thuần nhìn con bạn, và thử so sánh niềm phấn khích của chúng, và của bạn ngày xưa. Hãy thư so sánh những cảm giác bạn từng trải qua và những cảm giác con bạn có.
Thời gian trở lại đây, các mẹ hiểu biết hơn, và dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu các hoạt động tại nhà cho con. Có rất nhiều mẹ bằng mọi giá đặt mua những loại đồ chơi, đồ học liệu rất đắt tiền để hỗ trợ quá trình phát triển tư duy và trí thông minh của trẻ. Có những phụ huynh bày thẻ flashcard xung quanh con. Và những phụ huynh khác thì kêu gọi nhau cùng mua những học liệu đắt tiền khủng khiếp của Montessori để con chơi và học. Theo tôi, những điều này không phải không tốt, nhưng cũng không hẳn là tốt. Lý do là chúng ta không hiểu thực chất học liệu là gì, và con chúng ta cần cái gì để phát triển tư duy.
Có một điều không thể phủ nhận rằng, chúng ta đang sống trong một cuộc đời thực, và chúng ta cần trang bị cho trẻ kỹ năng và sự hiểu biết về mọi thứ trong cuộc đời thực ấy để đứa trẻ có thể sẵn sàng làm chủ cuộc sống của chúng, và biết cách suy nghĩ sáng tạo dựa trên nguồn nguyên liệu và thông tin mà chúng có. Vậy thì đồ chơi là gì? Đồ chơi là sự mô phỏng lại thế giới thực, bởi vì người ta vì lý do nào đó không thể mang đến cho đứa trẻ những trải nghiệm thực trong thế giới thực mà chúng lớn lên. Do vậy khi chơi với đồ chơi, đứa trẻ sẽ mất thời gian gấp đôi để học cách tư duy trên đồ chơi rồi lại phải từ đồ chơi tư duy ngược lại đồ thật. Đó là vì sao trên thế giới, những thứ đồ chơi mà lũ trẻ thích nhất không phải là bộ tách chén mĩ miều bằng nhựa, mà là những chiếc tách chén bỏ đi được nhặt nhạnh mang về và đặt vào “quầy cafe”; và rằng những thứ đồ chơi xa xỉ không bao giờ sánh bằng cát, bằng nước, bằng giấy.
Tôi thích cho trẻ con tương tác với đồ thật, bởi vì lúc đó là lúc chúng tư duy nghiêm túc và học cách làm chủ luôn những học liệu xung quanh mình. Đối với tôi, những loại học liệu tự nhiên và nguyên thủy luôn là khởi nguồn của mọi sự sáng tạo và mọi điều ngạc nhiên đứa trẻ có thể chỉ cho chúng ta. Vì lẽ đó tôi thích các trường học theo trường phải Kiến tạo và Reggio Emilia hơn là các trường học Montessori, bởi vì sự khác biệt của tính chất học liệu. Một bên là Kiến tạo, một bên là Tự sửa cho vừa khuôn. Một bên là sáng tạo, một bên là rập khuôn. Học liệu Montessori là các loại học liệu được sản xuất một cách trau chuốt, đẹp và chính xác. Học liệu Reggio Emilia và kiến tạo là các loại học liệu nguyên thủy, tối giản và không có quy cách. Sự tự do sẽ kích thích mạnh mẽ hơn đến não bộ của trẻ, khiến chúng tư duy theo nhiều chiều khác nhau và tạo ra những sản phẩm khác nhau theo cách nhìn nhận đánh giá riêng. Học liệu tự do tạo ra những đứa trẻ sáng tạo.
Một trong bốn hứng khởi lớn nhất của tuổi thơ, đó là tạo ra mọi thứ và làm mọi thứ “xảy ra”. Và hứng khởi ấy sẽ còn mạnh mẽ và cháy bỏng đến tận khi trẻ lớn khôn nếu chúng học được cách kiểm soát nguyên liệu từ những dạng thô sơ nhất để tạo ra những điều mới mẻ. Tôi đã từng thấy mình say mê ngồi nhìn những đứa trẻ của nước Mỹ ngồi chế tạo ra một con robot quét nhà bằng cái chổi, cái xoong bỏ đi, một ít ốc vít, dăm ba loại đồ chơi hỏng khác và mấy sợi dây kéo. Hay là vào các trường mầm non ở khắp nơi trên thế giới (trừ các trường montessori, tất nhiên) chẳng chỗ nào cần đến “bộ học toán”, bởi chúng học toán trên mọi thứ: que kem, vỏ ốc, quả thông, khuy áo, rổ rá, dây thừng… Sức sáng tạo, trí thông minh, đương nhiên bắt nguồn từ học liệu, từ nguyên liệu xung quanh ta, chứ chẳng phải bằng những thứ đồ chơi, học liệu đắt tiền, được chế tạo sẵn, lung linh và chuẩn xác.
Vì sao không nên dùng những loại đồ chơi được chế tạo sẵn? Vì sao cô giáo không nên tự chế ra những sản phẩm phục vụ giờ học? Bởi vì bằng cách đó, bạn đã lấy mất của đứa trẻ một “sự khởi đầu”, mà những sự khởi đầu ấy lại vô cùng giàu những kích thích giác quan, và mang đậm trong nó những cơ hội giúp con bạn trở thành những người khám phá, những nhà phát minh, và những người dám thất bại.
Cũng như vậy, hãy nhớ một điều rằng, tangram, đối với một số người chỉ là sắp xếp những mảnh hình thành các hình thù nhất định. Nhưng đối với một số người khác, nó là bài học biến không thành có, bài học về hình học lồng ghép, toán học thực tiễn và là sự dung hòa của toán học và nghệ thuật ngôn ngữ, trí tưởng tượng và sự kết nối sáng tạo.
Dạy con, đừng mua đồ làm sẵn. Hãy tự mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi bạn quan sát con khám phá thế giới quanh mình từ những thứ học liệu giản đơn nhất, giống như khi bạn lớn lên, ở tuổi đó.
Ps. Vui lòng dẫn nguồn và tên tác giả nếu bạn muốn chia sẻ hoặc sao chép về facebook của mình nhé. Cảm ơn các bạn