Chapter 2 : Phát triển não bộ thông qua vận động

Hàng ngày, các chương trình TV liên tục quảng cáo về những loại sữa giúp trẻ thông minh khiến chúng ta lầm tưởng rằng cứ bỏ ra rất nhiều tiền để mua những loại sữa bột thật xịn là sự đầu tư tốt nhất để con chúng ta giỏi giang và trở nên nổi bật. Nhưng các bà mẹ Việt Nam của chúng ta quên mất rằng sữa là một loại thức ăn để bổ sung dưỡng chất, nó ngoài mục đích cung cấp và duy trì chức năng hoạt động sinh lý của các tế bào não bộ thì hoàn toàn không có tác động đến việc con bạn có thông minh hay không, kỹ năng giải quyết vấn đề của chúng có xuất chúng hay không.

Chia sẻ của Thạc Sỹ Ngô Thanh Giang
Nhà sáng lập – BEEs’Education

Nhìn lại một chút vào lịch sử cũng như xã hội xung quanh chúng ta, chúng ta thấy một điều rõ ràng là, những người thành công (dù trong các lĩnh vực học thuật hay thương trường) đều là những người không sử dụng những loại sữa đắt tiền để được nuôi lớn. Họ đều xuất phát là những đứa trẻ baby led weaning theo nghĩa này hay nghĩa khác, và có một điều quan trọng hơn nữa, đó là tuổi thơ của họ là một tuổi thơ tự do, điều đó tương ứng với một giai đoạn phasrt triển não bộ tự do, mạnh mẽ và không giới hạn.

Não bộ cấu trúc với 6 phần chính: frontal Lobe (thùy trán) kiểm soát các năng lực lý giải, lập kế hoạch, vận động, cảm xúc, kỹ năng giải quyết vấn đề và có một phần vỏ não vận động; Pariental Lobe (thùy đỉnh) kiểm soát các thông tin cảm giác từ da; Temporal Lobe (thùy thái dương) kiểm soát các năng lực ngôn ngữ, thính lực và một phần trí nhớ ngắn hạn; Occipital Lobe (thùy chẩm) kiểm soát các thông tin đưa về từ cơ quan thị giác; Brainstem (cuống não) điều khiển các hoạt động bản năng như thở, tiêu hóa, ngủ, bài tiết, nhiệt độ cơ thể) và Cerebellum (tiểu não) điều khiển các chức năng vận động, thăng bằng và các cử động của cơ thể.

Nếu coi não bộ là một ngôi nhà, thì năm giác quan chính là năm cánh cửa mở ra thế giới, tiếp nhận thông tin và kích thích sự phối hợp làm việc của các neuron thần kinh. Cũng như vậy, như đã bàn với các bạn ở Chapter 1, thì việc ăn uống của các bé cũng giống như một kênh tiếp nhận thông tin đa chiều để kích thích não bộ. Vậy, có nhiều mẹ hỏi tôi rằng vậy thì có phải những đứa trẻ BLW sẽ thông minh hơn những đứa trẻ khác? Câu trả lời là BLW mang lại rất nhiều các thông tin phát triển não bộ quan trọng cho bé, nhưng nó cũng mới chỉ là một trong những cách kích thích não bộ mà thôi. Và chúng ta có thể chia các con đường kích thích não bộ làm hai phần chính: đó là qua vận động và qua trải nghiệm.

Phát triển não bộ thông qua vận động

Trường BEEs’ TinyCollege của chúng tôi là một ngôi trường cao đến 7 tầng và hoàn toàn không có thang máy, nó cách Công viên Thống Nhất khoảng 500m. Trường BEEs’ Daycare là một ngôi trường tọa lạc giữa hai cái công viên nho nhỏ của khu dân cư. Điểm chung của những ngôi trường của chúng tôi là nó đòi hỏi trẻ vận động liên tục để đáp ứng một chương trình học đa dạng và mang tính thay đổi không gian mạnh mẽ. Có phụ huynh hoài nghi rằng, việc trẻ phải di chuyển cầu thang sẽ gây ảnh hưởng đến cột sống của các con. Câu trả lời của tôi là, việc trẻ di chuyển cầu thang, trái lại càng khiến con bạn trở nên thông minh, nhanh nhẹn và nắm bắt các kỹ năng cả vật lý lẫn xã hội tốt hơn.

Vì sao? Bạn hãy nhìn vào sơ đồ não bộ

Mỗi bộ não có nguyên một phần tiểu não kiểm soát chức năng vận động, thăng bằng và các cử động của cơ thể. Ngay từ khi bạn mang thai, bé đã “tập thể dục” liên tục trong bụng mẹ khiến cho bụng mẹ trồi sụt thất thường, đôi khi chúng ta còn vô tình thấy cả bàn chân em bé nổi lên trên phần bụng. Điều đó nói cho chúng ta biết rằng vận động là bản năng của trẻ, là cách mỗi đứa trẻ lớn lên.

Có đôi khi chúng ta cứ nghĩ rằng cứ “đến lúc” thì trẻ cũng sẽ nắm được các kỹ năng vận động như câu tục ngữ “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”. Nhưng các bạn hãy nhìn vào con của mình, càng ngày con của chúng ta càng chậm hơn so với các “mốc” mà các thế hệ khác đã trải qua. Có rất nhiều đứa trẻ đến 5-6 tháng mới biết lật, mười mấy tháng mới biết đứng tênh tênh và đợi mãi mới biết đi. Có rất nhiều trẻ “trốn”, bỏ qua các giai đoạn bò, trườn… Chúng ta lại nghĩ rằng, a, chúng thật giỏi, chẳng cần bò, trườn, chẳng cần tênh tênh tập đứng mà đang ngồi là nhỏm dậy đi luôn. Nhưng, đối với sự phát triển não bộ mà nói, mỗi kỹ năng vận động sẽ kiện toàn một nhóm, một khu vực tế bào thần kinh và kết nối chúng trong suốt quá trình phát triển vận động. Và khi bỏ qua một kỹ năng, có nghĩa là nhóm, khu vực tế bào thần kinh ấy đã không được kích hoạt, và chúng sẽ hoàn toàn thụ động trong quá trình phát triển não bộ của trẻ. Tức là, phần tiểu não của bé không có được sự kích hoạt tối ưu có thể. Nói cách khác, nếu giác quan kích hoạt các bộ phận khác của não bộ, thì vận động sẽ có tác dụng kích hoạt thùy trán và tiểu não. Bên cạnh đó, vận động sẽ phối hợp và kích thích luôn cả bốn bộ phận não bộ còn lại.

 

Vận động có tác động thế nào đối với quá trình học hỏi của trẻ?

Hãy bắt đầu từ khi bạn sinh bé ra đời. Chúng ta thường quấn bé bằng tã, vì sợ bé sẽ bị lạnh, sợ bé quờ quạng, hoặc làm xước da của chính mình. Việc quấn bé thành một cái kén khiến cho những cử động đầu tiên của bé bị hạn chế. Lớn lên một chút, trong đại đa số các gia đình, chúng ta đặt bé trên một chiếc giường 1m8x2m2, đại đa số thời gian bé nằm ngửa, nhiều đứa trẻ nằm ngửa đến nỗi móp cả đầu. Khi trẻ nằm ngửa, chân tay bé có thể vẫy vùng, nhưng mắt bé hoàn toàn không được nhận kích ứng, và việc điều khiển cổ trở nên rất khó khăn.

Trên thế giới, người ta cổ vũ cho tummy time – có nghĩa là để bé nằm sấp khi thức và chỉ nằm ngửa khi ngủ. Đây là một trong những cố gắng đầu tiên giúp cho bé có điều kiện vận động và kiểm soát chiếc cổ của mình- nơi bắt đầu của tủy sống và tiếp giáp với tiểu não. Đầu tiên bé sẽ học cách nghển cổ lên cao, tập trung lực để đỡ chiếc đầu bé xinh, dần dần đủ khỏe, bé sẽ dướn luôn cả phần ngực lên để “thỏa mãn” sự tò mò với thế giới xung quanh và sẵn sàng để phối hợp vận động với các bộ phận chân tay, mông, để trườn về phía trước. Để khuyến khích cho quá trình vận động – tuyệt đối chúng ta không nên cho bé nằm trên giường cao, bởi vì xung quanh chẳng có gì ngoài chăn gối, quần áo và một chút đồ chơi – rõ ràng chẳng có động lực để cho bé phấn đấu lao về phía trước.

Phát triển não bộ thông qua vận động

Lớn hơn chút nữa khi bé đã biết ngồi và biết đi, chúng ta lại “chỉ” mở rộng thế giới của bé ra thêm có tí tẹo, đó là cả một gian phòng. Còn những đứa trẻ khác ở các vùng nông thôn, chúng có thể được đặt ở bất kỳ nơi nào, trong nhà, ngoài sân và rõ ràng nhờ vậy thế giới của những đứa trẻ thiếu điều kiện bỗng nhiên lại giàu kích thích hơn thế giới đầy đủ mà bạn có thể cho con của mình. Sự thiệt thòi của con bạn đã bắt đầu xuất hiện, quá trình kích thích phát triển não bộ chậm đi. Và chúng ta thì hoàn toàn không biết điều đó.

Khi con chúng ta bắt đầu “đến lúc” tập đi, chúng ta vui vẻ đi mua cho con những chiếc xe tập đi để con có thể lê la khắp phòng. Nhưng lại một sai lầm nữa. Chiếc xe tập đi kéo đứa trẻ ra một thế giới, nơi chân chúng chạm đất và có thể tạo lực đẩy chúng đi, nhưng chân chúng lại hoàn toàn không được luyện kỹ năng đi, và chiếc xe tập đi thì hoàn toàn cách ly đôi tay của bé chạm vào bất cứ thứ gì xung quanh. Và cuối cùng, hãy chấp nhận một sự thật rằng chiếc xe tập đi hoàn toàn không dạy bé tập đi và càng không giúp bé hiểu được “độc lập trên đôi chân của chính mình” là thế nào. Vậy vận động tập đi tốt nhất là gì, hãy để tay bé nắm chặt tay bạn và cùng con đi những bước đầu tiên trong đời. Hãy kiên nhẫn, và tôn trọng khả năng của bé, và ngược lại, từ bạn, bé cũng học cách kiên nhẫn và tôn trọng khả năng của chính mình.

Khi bạn gửi con đến trường. Có một nghịch lý xảy ra là, bạn thích một ngôi trường chỉn chu, gọn gàng, những đứa trẻ ở lớp luôn sạch sẽ, tươi tắn và ngoan ngoãn ngồi một chỗ. Nhưng đừng để những ấn tượng thị giác làm cho bạn nhầm lẫn, ngôi trường tốt nhất cho con bạn là một ngôi trường nơi có những đứa trẻ bò lổm ngổm khắp nơi, lẫm chẫm chạy và ngã bịch cái trên mông của mình. Bởi vì nơi đó là nơi đang giúp phát triển não bộ cho bé. Khái niệm “ngoan ngoãn” là một khái niệm nguy hiểm đối với sự phát triển não bộ của con bạn, nó trói bé trong một không gian rất hẹp và dạy bé rằng vận động tự do theo bản năng là một điều không tốt. Quá trình đứa trẻ vận động tại lớp không chỉ đơn thuần là một quá trình vận động sinh lý và vật lý, nó là quá trình giao tiếp, khám phá, phối hợp các giác quan, xây dựng các kỹ năng chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp. Vận động, giúp cho bé tự chủ về không gian thuộc về chúng, đưa chúng đi thực hiện bất cứ điều gì chúng muốn, và bắt đầu sự phối hợp diệu kỳ giữa nhận thức và các cử động mang tính bản năng. Và khi trẻ vận động. rất nhiều thứ khác sẽ diễn ra, năng lượng được đốt cháy giúp bé ăn ngon miệng hơn, mồ hôi toát ra khiến lỗ chân lông của bé mở rộng để thở, chân tay trở nên cứng cáp hơn, tầm mắt quan sát rộng hơn, cảm giác được phối hợp mạnh mẽ, và quan trọng nhất là ý chí cá nhân bắt đầu hình thành, nhu cầu tương tác xã hội cũng tăng lên rất cao, và có một lúc bạn không để ý, bé đã hoàn toàn sẵn sàng đón nhận thế giới một cách tự tin nhất và thoải mái nhất.

Vậy phải chăng cứ vận động nhiều là sẽ thông minh?

Vận động sẽ kích thích trí thông minh của bé một cách hiệu quả nhất nếu nó được phối hợp đa mục đích. Một đứa trẻ một mình lang thang sẽ không thông minh bằng một đứa trẻ nắm tay người nó yêu quý đi, chạy, chơi và đùa trong một không gian đầy kích thích giác quan và kích thích tương tác. Từ ba tuổi trở đi, vận động bắt đầu đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy phát triển và tăng cường các kết nối não bộ – giữa các tế bào – giữa các nhóm tế bào – giữa các bộ phận – giữa các khu vực não bộ. Và điều đó nói cho chúng ta biết rằng vận động lúc này thực sự cần có chủ đích, và đa chủ đích.

Có ba loại hình vận động: vận động thô (dùng toàn bộ cơ thể và sức lực); vận động tinh (sử dụng các ngón tay, các đầu ngón tay, và phối hợp mắt); vận động tinh hoa (vận động thô trong phối kết hợp với các loại hình nghệ thuật). Cả ba dạng vận động này đều quan trong và có tác động mạnh mẽ đến chất lượng não bộ, chất lượng con người. Nếu như vận động thô giúp giải phóng năng lượng, thiết kế và làm mạnh mẽ các kết nối tế bào, khiến cho các kết nối đó trở nên vững chắc và khó suy thoái, thì vận động tinh hướng đến sự tỉ mỉ, chi tiết. Vận động tinh giúp tăng cường phối hợp giác quuan, hướng đến xây dựng tư duy kết cấu và hình thành bản sắc mạnh mẽ. Vận động tinh hoa, ở một bậc khác, cao hơn, giúp định hình thẩm mỹ, năng lực cảm thụ tinh tế và kiến tạo tư duy bậc cao, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của thùy trán, thùy đỉnh, thùy chẩm, thùy thái dương.

Vậy, hãy đừng hạn chế con vận động, hãy tạo ra cơ hội cho bé vận động bằng hết những gì bé muốn. Và để đảm bảo rằng mọi thứ đều được kiểm soát tốt nhất, hãy luôn dành thời gian và để mắt đến con, và dạy cho con các nguyên tắc về an toàn.

Bằng cách đó, não bộ của bé sẽ nhanh chóng được khai thác một cách hiệu quả nhất.

Hẹn gặp lại bạn ở Chapter 3: Phát triển não bộ cho bé thông qua trải nghiệm.

Ngô Thanh Giang

Bài viết thuộc bản quyền của BEEs’Education.Vui lòng dẫn link nguồn nếu bạn muốn chia sẻ bài viết .Cảm ơn các bạn.

ĐĂNG KÍ NHẬN TIN

Các bài viết từ chuyên gia, sự kiện sắp diễn ra, kiến thức làm cha mẹ...