Chapter 1: Phát triển não bộ – bắt đầu từ cách bạn cho con ăn như thế nào

Và tôi cũng muốn phân tích cho các bạn thấy rằng ăn uống – hoàn toàn không đơn thuần là việc nạp dinh dưỡng cho trẻ có đủ năng lượng, cũng không đơn thuần chỉ là vấn đề niềm vui hay khủng hoảng của cả mẹ cả con. Ăn uống là một quy trình phát triển não bộ phức hợp, hiệu quả và cực kỳ khoa học.

Chia sẻ của Thạc Sỹ Ngô Thanh Giang
Nhà sáng lập – BEEs’Education

Ý tưởng viết note này bắt đầu từ ngày thứ bảy, sau khi tôi cùng với Thuỷ và anh cu Tôm đi chơi một vòng giữa buổi chiều thu mát rượi. Phương châm của hai người bạn là: dành thời gian tự xả stress cho người lớn, và biến đó thành thời gian trải nghiệm cho Tôm – người đàn ông 26 tháng của mẹ. Vậy là “ba người bạn” hớn hở lên đường. Tôm cầm theo một chiếc kẹo mút vung vẩy ngồi lên xe. Khi ra đến đường Quang Trung thì cu cậu tuột tay đánh rơi chiếc kẹo mút. Nhưng tôi quyết định không dừng lại để nhặt nữa vì “đồ ăn đã rơi xuống đất không nên nhặt lên ăn lại” – dù đó là chiếc kẹo mút có vỏ bọc. Bởi vì đứa trẻ luôn có thể nhét cả chiếc kẹo còn nguyên vỏ bọc vào mồm – để làm gì ư? bởi chúng có một bản năng cảm giác – để thúc đẩy não bộ của chính chúng phát triển.

Anh Tôm khóc ầm ỹ về cái kẹo. Mấy lần mẹ Thuỷ cũng định đề nghị dừng lại để mua cho anh ta cái kẹo mút khác nhưng tôi vẫn không đồng ý. Tôi hỏi ngược về phía sau: “Tôm đánh rơi kẹo hay mẹ đánh rơi nhỉ?” Vừa khóc rấm rứt anh ta vừa trề mỏ trả lời “Tôm”… Tôi lại hỏi: “Vậy thì ai đánh rơi người đó phải tự chịu trách nhiệm nhé. Giờ là lúc đi chơi. Nếu Tôm khóc thì chúng ta sẽ quay về không đi nữa.” Tôm không trả lời, nhưng sau đó tiếng khóc nhỏ dần và sau đó “người đàn ông bé” bắt đầu im lặng. Rõ ràng anh ta biết lợi thế thương lượng đang nằm ở phía nào.

Chúng tôi cùng nhau đi mua hạt dẻ nướng. Ngay khi người bán hàng đưa cho tôi túi hạt dẻ, tôi đã đưa cho Tôm cầm một hạt và bóc cho anh ta thử một hạt khác. Lúc đầu anh chàng chỉ cắn một miếng, nhưng khi nhai thấy vị bùi và ngọt của hạt dẻ, tôi đã thấy anh ta tít mắt đưa cái hạt dẻ to đùng trong tay mình cho mẹ, ý là nhờ mẹ bóc hộ. Bạn tôi bóc luôn cho con, mà quên mất rằng đứa trẻ chỉ cần hướng dẫn có môtj chút thôi, với chiếc hạt dẻ có sẵn trong tay mình, nó hoàn toàn có thể tự bóc và tự ăn được.

Rời khỏi hàng hạt dẻ, chúng tôi lại la cà ra hàng quẩy nóng. Anh chàng Tôm cũng được mời một miếng quẩy để thử. Vậy là trong tay anh ta đang có đến hai loại thức ăn liền, và kỳ lạ thay, mỗi loại lại mang đến một kiểu cảm giác khác nhau. Chiếc quẩy có mỡ nên khiến những ngón tay của tôm trơn và bóng nhẫy, nhưng miếng quẩy trong mồm lại càng nhai càng dai. Thật lạ. Anh ta nhai miếng quẩy rất chậm rãi và sau khi đánh chén hết miếng quẩy, anh chàng quyết định dừng lại và chọn món hạt dẻ rang sỏi thơm phức. Lần này thì cậu ta đã bắt đầu được mẹ chỉ cho cách bóc hạt dẻ. Mấy cái ngón tay bé tí trắng bóc của anh chàng khéo léo tách đôi chiếc vỏ hạt dẻ ra và sung sướng đưa lên miệng cắn, cái mắt thì cười tít lại.

Sau quẩy nóng, tôi và Thuỷ đưa anh chàng đi ra cung thiếu nhi để câu cá nhựa và lái tàu hoả. Sau khi chơi một hồi thì hai chúng tôi cảm thấy quá thèm ăn nem chua nướng. Vậy là anh chàng Tôm lại được thử thêm một vài món mới nữa. Đầu tiên là nem chua nướng. Hắn ta rất khoái chí việc cầm que xiên nem chua và cắn từng miếng một. Ăn một hồi bắt đầu khát nước, hắn bèn cầm nguyên chai nước lavie lên tu ực ực và cười tít ra chiều “con giỏi chưa này!”… Sau món nem chua nướng là món cá bò nướng và cuối cùng anh chàng chỉ chịu đứng dậy sau khi đã chén thêm hai miếng cóc xanh chua loét mà tôi chẳng dám động vào.

Nhưng kể chuyện anh cu Tôm trong một buổi chiều tối đã thử đến 5 loại thức ăn khác nhau – thậm chí được phép “nhịn” hẳn bữa cơm tối để có thể đưa ra cho các bạn một “ví dụ thật” về một đứa trẻ. Và tôi cũng muốn phân tích cho các bạn thấy rằng ăn uống – hoàn toàn không đơn thuần là việc nạp dinh dưỡng cho trẻ có đủ năng lượng, cũng không đơn thuần chỉ là vấn đề niềm vui hay khủng hoảng của cả mẹ cả con. Ăn uống là một quy trình phát triển não bộ phức hợp, hiệu quả và cực kỳ khoa học.

Chúng ta biết rằng não bộ được phát triển thông qua khối lượng thông tin do các giác quan cung cấp. Trong khi đa phần chúng ta quan tâm đến chuyện con được học gì từ sớm, tương tác với cái gì từ sớm, xây dựng trí thông minh qua flash cards hay vận động, thì chúng ta quên mất một nguồn giác quan cực kỳ quan trọng – chiếc miệng bé xinh của trẻ. Miệng là nơi thu thập những dữ liệu về các loại mùi vị, texture, độ nóng lạnh, mức độ giòn mềm của thức ăn. Khi chúng ta ăn, đồng thời nó kích thích các giác quan khác cùng tham gia vào quá trình vừa khám phá, vừa làm no, vừa tận hưởng các loại thức ăn. Mắt sẽ ưa nhìn màu sắc, mũi sẽ thích ngửi mùi thơm và tìm ra sự đặc trưng về mùi, lưỡi sẽ cảm nhận vị của các món ăn, răng khi nhai thì còn phối hợp với lưỡi, vòm miệng, hàm, và lưỡi để đảo thức ăn, đưa thức ăn xuống đường thực quản.

Chúng ta có một thói quen suy nghĩ rằng khi đến lúc thì trẻ sẽ tự động biết nói. Đây là một quan niệm đúng nhưng không rõ ràng, khiến cho chúng ta lầm tưởng về độ “sẵn có” của các kỹ năng, khả năng ở trẻ. Nhưng ngày càng nhiều phụ huynh than phiền vì sao con tôi 18 tháng tuổi mà chưa biết nói. Các bạn biết như thế là chậm, nhưng hoàn toàn không hiểu căn nguyên của nó. Về cơ bản, lời nói có thể được phát ra từ những chiếc miệng xinh xinh khi những chiếc răng đầu tiên bắt đầu nhú ra. Nói, là sự kết hợp vận động của các bộ phận trong miệng như răng, lưỡi, vòm miệng, họng, thậm chí là sự kết hợp với cả mũi nữa. Các bộ phận này được tập cách phối hợp với nhau thông qua quá trình trẻ ăn, nhai, nuốt, phối hợp cảm giác. Vậy thì hãy lật lại vấn đề, như cách chúng ta nuôi con theo kiểu ăn-nuốt với một loại thức ăn duy nhất là cháo, những kỹ năng này hoàn toàn bị delay một cách cưỡng bức. Và điều đó có nghĩa là chúng ta, người lớn, lại đang đóng một vai trò vô cùng tích cực trong việc làm trẻ chậm nói. Tất nhiên, đó không phải là tất cả nguyên nhân, song đối với một số trường hợp đó lại là những nguyên nhân chính.

Với những thông tin phức tạp trên, có thể khẳng định rằng việc ăn uống cũng là một kênh kích thích phát triển não bộ cực kỳ hiệu quả. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tìm mọi cách để tối ưu hoá quá trình ăn uống của trẻ. Việc tối ưu hoá quá trình ăn uống của trẻ không chỉ để cho trẻ khoẻ mạnh, có đủ năng lượng hoạt động mỗi ngày, lên cân, tăng trưởng chiều cao, hay đơn giản chỉ là để người lớn “yên tâm” rằng con mình đang lớn tốt; nó còn là một quá trình tối ưu hoá cảm nhận giác quan, kích hoạt các tế bào thần kinh và các kết nối đi kèm, hoàn thiện kỹ năng và khiến cho quá trình khám phá của trẻ trở nên phong phú hơn, hấp dẫn hơn và mạnh mẽ hơn. Các phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, baby led weaning đều nhấn mạnh đến việc tác động vào cảm giác, làm phong phú hơn các trải nghiệm và kiện toàn kỹ năng cũng như xây dựng một thái độ vui vẻ trong quá trình trẻ khám phá. Nói cách khác, các phương pháp ăn đều quan tâm đến các mặt phát triển như: Phát triển giác quan, phối hợp vận động tinh, tăng cường tương tác xã hội và xây dựng lòng tự tin. Tuy rằng mỗi phương pháp đều có những đặc điểm khác nhau, nhưng một lần nữa, chúng đều được phát triển dựa trên nguyên lý phát triển não bộ, và rằng chúng đều nhấn mạnh vai trò làm chủ “thông tin” của mỗi đứa trẻ.

Tôi nhớ đến những ngày thực tập tại một trường mầm non ở Berkeley, ngôi trường nằm dưới gầm của một nhà thờ nhỏ bằng gỗ. Buổi trưa, cô giáo gọi, Đến giờ ăn trưa rồi, thế là lũ trẻ dưới 2 tuổi xếp hàng rửa tay và nhanh chóng ngồi vào bàn. Cô giáo đi găng tay nilon, đến từng bé và bốc cho mỗi bé một nắm spaghetti và đặt thẳng lên bàn – không cần đĩa đựng. Và lũ trẻ bắt đầu nhào vào ăn – chính xác là chúng vừa ăn vừa nghịch Spaghetti. Chúng sục tay vào đống mì, tóm lấy một sợi mỳ dài ngoằng và bắt đầu cố gắng cho vào miệng. Có cô bé còn không biết miệng của mình ở đâu, nó nhét nhầm một chút spaghetti vào mũi, có đứa thì mút chụt chụt rất ngon lành, còn có đứa ngoảnh đi ngoảnh lại thấy nó cầm một nắm mì và thản nhiên đặt lên đầu bạn, và chúng cười khanh khách khi vừa ăn vừa khám phá cái loại thức ăn của mình một cách vui vẻ và thoải mái. Nếu có một người mẹ Việt Nam nào nhìn thấy chúng chắc hẳn sẽ kinh hãi lắm, Spaghetti vung vãi khắp nơi, đứa trẻ nào cũng toe toét (cả theo nghĩa sốt cà chua đầy mặt, đầu, tay, và cả theo nghĩa những nụ cười ngoác đến tận mang tai vì những trải nghiệm thú vị).

Và tôi nghĩ đến những bữa ăn của trẻ em Việt Nam. Trong suốt 3 năm đầu đời, dường như các bé chỉ ăn có sữa bột và cháo là chính. Thôi thì đủ loại, cháo xay nhuyễn, cháo lợn cợn, cháo hạt. Sự nghèo nàn về các loại thức ăn khiến cho đứa trẻ bị hạn chế phát triển giác quan. Miệng chúng không được phép phân biệt cứng, mềm, giòn, dai, chúng không được phép gặm, liếm, mút,… Texture bị giảm đi gần bằng 0 khi chúng ta cố gắng xay nhuyễn hoặc nấu quá nhừ các loại cháo. Đồng nghĩa với việc trải nghiệm phát triển bị giảm đi gần bằng 0, đứa trẻ hoàn toàn không nhận được gì trở lại trong quá trình này để phát triển nhận thức, tư duy, tối ưu não bộ mà chỉ đơn thuần ăn để duy trì thể trạng sinh lý của cơ thể.

Và trong suốt quá trình ăn ấy, đặc biệt là ở nhà, luôn có một người lớn phụ trách công đoạn “xúc” cho đứa trẻ và tất cả những gì các bé cần làm là dán mắt vào một cái TV với hình ảnh lướt loang loáng và mở miệng ra, ăn miếng cháo, nuốt ực và thế là xong. Không niềm vui, không khám phá, không cảm nhận, tất cả những gì chúng nhận về cho cả quá trình phát triển não bộ kỳ diệu này chỉ là Ực, miếng cháo trôi tuột xuống họng, thậm chí trước cả khi đứa trẻ kịp nhận ra mình đang ăn cái gì.

Hậu quả là, có rất nhiều đứa trẻ đến 3 tuổi vẫn không biết nhai. Hậu quả là, đối với chúng, ăn là một cực hình chứ không phải là quá trình học hỏi. Hậu quả là, thay vì một khối lượng dữ liệu thông tin khổng lồ con có thể có được, thì chúng ta tước luôn khỏi trẻ cơ hội để kiến tạo não bộ và cơ hội để trở nên thông minh hơn, vui vẻ hơn. Khi chúng đã quen với một mô thức ăn là nuốt, thì việc ăn chẳng thể nào trở thành một giờ “vui vẻ” cả, và chính vì thế chúng cũng chỉ thích quấy quá cho xong – chúng cũng không biết được rằng nếu không ăn thì sẽ bị đói. Bởi vậy, một là chúng giãy đạp, khóc lóc khi tới giờ ăn; hai là chúng cố gắng nôn oẹ để kiểm soát, bắt người lớn phải dừng sự can thiệp của họ đối với việc ăn uống của chúng. Dần dần, giờ ăn trở thành một khoảng thời gian khủng hoảng cho cả mẹ cả con, thay vào những tiếng cười, những trò chơi với chính những thứ mình ăn, phát triển trí tưởng tượng, chia sẻ thời gian chất lượng bên mẹ, thì chúng ta bắt đầu quen với những tiếng khóc, những lời quát nạt, những giọt mồ hôi, và thậm chí, có những người rất nóng tính, họ sẵn sàng tặng trẻ một cái bạt tai nếu con không chịu ăn. Dần dần, giờ ăn trở thành một giờ đáng sợ, nơi các ông ngáo ộp, các bà mẹ mìn xuất hiện để doạ nạt đứa trẻ, khiến cho chúng càng cảm thấy việc ăn là một sự cưỡng bức tinh thần kinh khủng.

Vậy là các em bé của chúng ta cứ thế lớn lên đấy ạ. “thời sơ sinh” của chúng được kéo dài cho đến tận 3 tuổi, thậm chí còn dài hơn nữa, và cùng với đó, chúng mất dần năng lực trở nên độc lập và có trách nhiệm với bản thân, và chúng cũng mất luôn một khoảng thời gian để bổ sung năng lực não bộ – vốn không thể vãn hồi sau khi trẻ đủ 3 tuổi.

Những điều đó có đủ cho bạn nghĩ lại về con của mình? Bạn muốn con mình thông minh sớm? Đừng mua Flashcards, hãy dành thời gian để tắm cho con sau mỗi bữa ăn messy để con được ăn và vầy thoải mái. Bạn muốn con mình tự tin và vui vẻ? Hãy lắng nghe tiếng cười khúc khích của nó và âm thanh đứa trẻ tạo ra trên một bữa ăn mà con mình làm chủ.

Đừng để các con bị kéo lại phía sau bởi những tư tưởng lỗi thời về dinh dưỡng và vệ sinh. Bạn và con bạn tự làm chủ được quá trình lớn lên của chúng. Hãy nhìn những đứa trẻ nông thôn xem, chúng ăn những bữa ăn đạm bạc, nhưng chúng thử rất nhiều thứ khác nhau, và đối với chúng quá trình ăn uống hoàn toàn không áp lực và mang tính trải nghiệm mạnh mẽ. Và hãy nhìn ra thế giới, hãy xem cách các bà mẹ trên thế giới cho con họ ăn như thế nào.

Tự bạn biết, mình có thể làm gì để giúp con trở nên thông minh hơn, mạnh mẽ hơn, chủ động hơn. Chỉ bắt đầu từ những giờ ăn đơn giản.

Lưu ý :Bài viết thuộc bản quyền BEEs’Education.Yêu cầu ghi rõ nguồn và tác giả khi bạn chia sẻ thông tin này.

ĐĂNG KÍ NHẬN TIN

Các bài viết từ chuyên gia, sự kiện sắp diễn ra, kiến thức làm cha mẹ...