BÍ QUYẾT ĐỌC SÁCH CHO BÉ TỪ 3-6 TUỔI

Tiếp nối bài viết “Bí quyết đọc sách cho trẻ từ 0 – 3 tuổi”, hôm nay BEEs sẽ giới thiệu với các bố mẹ một vài tips đọc sách hiệu quả cho các bé 3-6 tuổi được chia sẻ bởi cô Trần Minh Duyên.

Ở độ tuổi này, vốn từ vựng của bé đang đang được thu nạp với tốc độ mạnh mẽ, bé luôn đặt câu hỏi tại sao với mọi thứ xung quanh mình. Nếu giai đoạn dưới 3 tuổi là giai đoạn vàng để tạo lập cho bé thói quen đọc sách thì 3 tuổi là cơ hội quý giá giúp bé mở rộng vốn từ vựng thêm đa dạng và phong phú.

🍀🍀 KHÁM PHÁ TỪ MỚI

Trong khi đọc sách cho trẻ, điều cốt yếu là cùng bé tìm hiểu nghĩa của từ, bạn có thể sẽ cần đến sự hỗ trợ của một cuốn từ điển Tiếng Việt – chẳng hạn như “láng cháng” nghĩa là gì, nó có giống với “loanh quanh” không? “Nhấm nháp” là gì? Nó mô trả trạng thái ăn như thế nào? Bụng “óc ách” nghĩa là bụng dạ bị làm sao…nBạn có thể giới thiệu với bé về từ tượng thanh, tượng hình và từ láy. Từ tượng thanh: ví dụ “tí tách” là từ tượng thanh vì nó mô phỏng âm thanh giống như tiếng mưa rơi, “xào xạc” là từ tượng thanh vì nó mô phỏng tiếng gió chạy trong tán lá… Từ tượng hình: “nhọn hoắt” là từ tượng hình vì khi nhắc tới nó ta nghĩ tới cái gì đó rất nhọn, rất sắc; lom khom là từ tượng hình vì nó gợi tả dáng vẻ cúi người xuống làm gì đó. Từ láy: “láng cháng” là từ láy vì nó giống nhau ở âm cuối, “nhấm nháp” là từ láy vì nó giống nhau ở phụ âm đầu… Mỗi ngày như thế, từng chút, từng chút một, như một chú kiến mải miết tha mồi về tổ, bạn đang cùng bé gom nhặt và tích trữ cả một kho báu.

🍀🍀 KHAI THÁC TỐI ƯU BỘ CÂU HỎI 5W1H

Một trong những công cụ quan trọng cho chiến lược phát triển năng lực tư duy ngôn ngữ của trẻ là bộ câu hỏi 5W1H: who, what, when, where, why, how. Trong đó tại sao và như thế nào là những câu hỏi đòi hỏi trẻ tư duy ở mức độ sâu hơn. Việc đặt và trả lời câu hỏi trong khi đọc sách là nền tảng vững chắc để xây dựng kỹ năng đọc hiểu, một kỹ năng tối quan trọng giúp bé hấp thụ tốt khối lượng kiến thức khổng lồ từ việc đọc sách sau này.

Tuy vậy, không phải bao giờ trẻ cũng sẵn sàng trả lời các câu hỏi của bạn. Và thực tế là quá nhiều câu hỏi trong một giờ đọc sách sẽ khiến mạch truyện bị ngắt quãng. Vì thế, hãy lựa chọn những câu hỏi chất lượng và biến nó thành trò chơi đố.

“Đố con biết vì sao sóc nhỏ lại đánh rơi hết cả vụ thu hoạch của mình? Vì sao đêm tối lại nguy hiểm? Ồ, con quái vật của đêm tối sống ở đâu, con biết không? Nếu con quái vật ăn hết đồng hồ trên trái đất thì con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra với thời gian?”

Tôi đã hỏi những đứa trẻ trong lớp học của tôi như thế khi đọc cho chúng nghe “Câu chuyện về lòng dũng cảm trong Bộ “Rủ rì cùng các nàng tiên”, và với câu hỏi cuối cùng, chúng trả lời tôi rằng: “Chẳng có chuyện gì xảy ra với thời gian cả. Nếu đồng hồ có bị quái vật ăn hết thì thời gian vẫn trôi, chỉ là mình không biết bây giờ là mấy giờ thôi ạ.” Bạn hẳn đã thấy sức mạnh của câu hỏi mở qua câu trả lời này.

Cũng nhờ khai thác tối ưu bộ câu hỏi 5W1H, bạn sẽ dễ dàng khơi gợi giúp trẻ phát triển tư duy, tư duy so sánh hình tượng. Bạn có ngạc nhiên không khi có thể chạm vào nỗi cô đơn của Vịt Xám và thưởng lãm vẻ đẹp của cô thiên nga qua góc nhìn của những đứa trẻ như thế này:

– Vì sao Vịt Xám lại cô đơn?

– Vì Vịt Xám xấu xí nên không có ai chơi cùng.

– Vịt Xám cô đơn như thế nào?

– Vịt Xám cô đơn như một hòn than không có cái lò nào để lăn vào cả.

– Vịt Xám cô đơn như một chú chim bay mãi không tìm thấy tổ.- Vịt Xám cô đơn như một cái cây trơ chọi vì những cái cây xung quanh bị chặt hết cả.

– Cô thiên ngan bên hồ nước xinh đẹp như thế nào?

– Cô thiên nga xinh đẹp như những cánh hoa rơi xuống mặt hồ.

Một bí quyết nữa để trẻ bị hút vào câu chuyện của bạn là hãy để đứa trẻ của bạn trở thành nhân vật trong truyện. Hãy bắt đầu câu chuyện như: “Một buổi sáng, Khế trở dậy từ sớm tinh mơ. Cô biết rằng có điều gì đó rất rất thú vị sắp tới, và nó sẽ tới sớm thôi…” Tôi tin rằng, đứa trẻ của bạn sẽ ngạc nhiên đầy thích thú, và sẽ bị cuốn vào thế giới có cô chuột xám dễ thương trong truyện “Bao nhiêu giấc ngủ nữa?”

“Bao nhiêu giấc ngủ nữa?” nằm trong bộ sách Những câu chuyện đẹp nhất tặng bé. Sách được viết bằng thứ ngôn ngữ tuyệt đẹp, lời văn trong trẻo và mềm mại như những tiếng thì thầm. Và bạn, hãy mang lời thì thầm ấy tới đôi tai xinh của những đứa trẻ, để chúng được nghe, được cầm thứ ngôn ngữ đẹp giàu hình ảnh và thứ cảm xúc trong veo như buổi sớm thu ấy.

Bạn cũng nên cho bé đọc sách khoa học để giúp bé học quan sát và tìm hiểu thế giới muôn màu xung quanh, để bé hiểu ra mọi thứ tồn tại đều có lý do và có nguyên lý vận hành riêng. Cùng với việc đóc sách, bạn có thể cùng bé tìm đọc những bài viết khoa học, tìm những clip khoa học có liên quan. Điều này rất quan trọng, bởi nó giúp đứa trẻ hình thành thái độ nghiên cứu nghiêm túc, cùng kỹ năng quan sát, phân tích, đánh giá, kết nối và tổng hợp thông tin một cách toàn diện.


🍀🍀 Đọc sách cho trẻ giống như dắt tay bé đi dạo trong một khu rừng. Hãy thong dong bước đi và ngắm nhìn khu rừng với ánh mắt háo hức của một đứa trẻ luôn ngạc nhiên với thế giới. Hãy cùng bé tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy bởi những điều kì diệu luôn đón đợi bạn ở phía trước, trên những tán lá kia hẳn sẽ có những chiếc lá đặc biệt lỗ chỗ những lỗ thủng hình trái tim, bên dưới những thân cành gãy kia những cây nấm lúp xúp hẳn đang cựa mình thức giấc, hay bên trên thảm lá mục những chồi non bé bỏng đang lô nhô vươn cao… Hãy dắt tay bé đi dạo mỗi ngày, với trái tim rộn ràng và đôi chân bước khẽ, bởi trên cuộc đời này còn điều gì ngọt ngào hơn thế?

– Tác giả: Cô Trần Minh Duyên –

Phần 1: Bí quyết đọc sách cho trẻ từ 0-3 tuổi: https://bees.edu.vn/bi-quyet-doc-sach-cho-tre-tu-0-3-tuoi/

Cô Trần Minh Duyên là một dịch giả chuyên nghiệp và là một biên tập viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sách thiếu nhi với 5 năm làm việc tại nhà xuất bản sách Nhã Nam. Hiện cô đang là Trưởng bộ môn Nghệ thuật ngôn ngữ – Trường tiểu học Jean Piaget và cố vấn Nghệ thuật ngôn ngữ của hệ thống BEEs’ Education.

ĐĂNG KÍ NHẬN TIN

Các bài viết từ chuyên gia, sự kiện sắp diễn ra, kiến thức làm cha mẹ...