BÍ QUYẾT ĐỌC SÁCH CHO TRẺ TỪ 0-3 TUỔI

Albert Einstein, nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20 từng nói rằng: “Nếu bạn muốn con bạn thông minh, hãy đọc truyện cổ tích cho bé. Nếu bạn muốn con bạn thông minh hơn nữa, hãy đọc truyện cổ tích cho bé nghe nhiều hơn nữa”. Điều đó cho thấy việc đọc truyện cổ tích có tác động mạnh mẽ tới trí tuệ của một đứa trẻ.

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ một vài bí quyết nhỏ để việc đọc trở nên hiệu quả và là niềm vui của bố mẹ và các con. Việc đọc chỉ thực sự trở nên hiệu quả khi nó được thực hiện hàng ngày, như một thói quen đầy cảm hứng và đam mê, một thói quen mang tính gây nghiện, giống như việc tôi cần hai quả trứng ốp lòng đào cho bữa sáng còn bạn thì cần 15 phút tập yoga trước khi hào hứng bắt đầu một ngày mới đầy năng lượng. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể khiến đứa trẻ của mình yêu thích sách nếu trong nhà bạn không có sách. Bạn càng không thể khiến việc đọc trở thành thói quen nếu bạn không dành thời gian đọc sách hàng ngày cùng con.

Vậy việc đầu tiên bạn phải làm là gì? Hãy xây dựng một không gian đọc sách xinh đẹp và đầy cảm hứng, với những cuốn sách thú vị, ô cửa sổ mở đầy ánh sáng, một vài cái cây nhỏ xinh và những bản nhạc không lời dịu êm đưa bé và bạn tới thế giới của những bí mật đang chờ khám phá. Và bạn, người dẫn đường cần mẫn, yêu thương và đầy tận tụy, hãy ngồi xuống đọc sách cùng con, mỗi ngày.

🍀🍀 KHI NÀO BẠN NÊN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ?

Bạn có thể bắt đầu đọc sách cho trẻ bất kỳ khi nào bạn muốn. Thực tế là bạn nên bắt đầu càng sớm càng tốt bởi đứa trẻ của bạn thực sự đã luôn ở trong trạng thái sẵn sàng, thậm chí ngay cả khi bé mới chỉ biết nằm sấp. Vậy thì đừng lãng phí thời gian, hãy nằm xuống và cùng bé lật giở những trang sách xinh đẹp đầu tiên trong cuộc đời đầy cảm hứng của đứa trẻ.

🍀🍀 BÍ QUYẾT ĐỌC SÁCH CHO TRẺ TỪ 0-3 TUỔI

Trẻ dưới 2 tuổi, khả năng tập trung và ghi nhớ ngắn hạn, nên thông điệp cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Vì vậy, khi chọn sách cho bé, bạn lưu ý chọn những cuốn sách ít chữ, ngôn từ nhịp nhàng và được lặp đi lặp lại. Bạn cũng nên ưu tiên chọn những cuốn sách có tranh minh họa mang màu sắc sống động để kích thích thị giác, định hình xu hướng thẩm mỹ và thu hút sự chú ý của trẻ.

Chất liệu sách cũng mang lại cho trẻ những trải nghiệm rất khác. Một cuốn sách vải sẽ mang lại cho bé cảm giác ram ráp khi chạm tay, tiếng sột soạt khi lật trang trong khi một cuốn sách giấy lại mang lại cho bé cảm giác trơn mịn hơn. Vì thế, hãy mua nhiều loại sách với nhiều chất liệu khác nhau.

Khi đã có sách rồi, hãy bắt đầu bằng việc lật từng trang, chỉ vào từng hình, và giới thiệu với bé: “Đây là quả trứng. Quả trứng bé tí xíu. Đây là chú sâu. Chú sâu đang rất đói. Đây là quả táo. Quả táo bị sâu ăn thủng. Đây là quả mận. Quả mận cũng bị sâu ăn thủng…” Cứ thế, bạn vừa đọc vừa chỉ tay vào tranh và giới thiệu lần lượt cho tới khi hết cuốn sách. Lần đọc đầu tiên này sẽ giúp bé làm quen với nhân vật chú sâu cũng như có những hình dung ban đầu về nội dung câu chuyện.Ở những lần đọc sau, bạn có thể bắt đầu bổ sung thêm từ mới cùng những cách diễn đạt mới. Cách đọc này cũng áp dụng luôn với các bé 2-3 tuổi: “Có một quả trứng bé xíu nằm chơ vơ trên một chiếc lá xanh. Từ quả trứng nở ra một chú sâu bé bỏng. Lúc này, chú sâu tội nghiệp đang rất đói bụng, nên chú quyết định bò đi tìm thức ăn. Ngày thứ Hai, chú ăn thủng cả một quả táo. Ngày thứ Ba, chú ăn thủng hai quả mận…” Ở đoạn truyện này, bạn nên đọc nhấn vào các từ in đậm và chỉ tay vào tranh minh họa, để bé bắt đầu hiểu về sự kết nối giữa tiếng bé nghe được và hình ảnh bé nhìn thấy trong lúc bạn kể. Bé sẽ dần nhận biết đâu là quả trứng, đâu là chiếc lá, đâu là chú sâu. Bạn cũng có thể minh họa động tác bò của chú sâu bằng sự di chuyển của các ngón tay để gây hứng thú cho bé. Khi bé đã nắm được khá đầy đủ nội dung câu chuyện, bạn có thể bắt đầu đặt câu hỏi, “Quả trứng bé xíu nằm ở đâu nhỉ?”, “Từ quả trứng nở ra cái gì nhỉ?” “Chú sâu mới nở ra đói bụng quá liền làm gì?”, “Chú sâu tìm thấy cái gì để ăn?” Bằng cách này, bạn đang cùng bé xâu chuỗi lại từng chi tiết và giúp bé học cách tóm tắt lại nội dung truyện.

Ngoài việc đọc sách, bạn cũng nên dành thời gian đọc thơ và đồng dao cho bé, đặc biệt là đồng dao. Ngôn ngữ của đồng dao nhịp nhàng, giàu tính âm điệu và ứng biến giúp trẻ có tư duy tự do và linh hoạt hơn.

🧚‍♀️Trên đây là vài lời chia sẻ về việc đọc sách truyện cho trẻ dưới 3 tuổi, vậy với những trẻ trong độ tuổi lớn hơn như từ 3-6 tuổi thì cách đọc sách như thế nào là hiệu quả? Làm thế nào để khơi gợi sự hứng thú và niềm vui của trẻ trong việc đọc, và để bố mẹ cùng các con có những trải nghiệm thú vị qua mỗi cuốn sách? Mời quý vị phụ huynh đọc phần tiếp theo của bài viết với nội dung “Bí quyết đọc sách cho trẻ từ 3-6 tuổi và trẻ ở độ tuổi tiểu học” tại: https://bees.edu.vn/bi-quyet-doc-sach-cho-tre-tu-3-6-tuoi/

Tác giả: Cô Trần Minh Duyên

Cô Trần Minh Duyên là một dịch giả chuyên nghiệp và là một biên tập viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sách thiếu nhi với 5 năm làm việc tại nhà xuất bản sách Nhã Nam. Hiện cô đang là Trưởng bộ môn Nghệ thuật ngôn ngữ – Trường tiểu học Jean Piaget và cố vấn Nghệ thuật ngôn ngữ của hệ thống BEEs’ Education.

ĐĂNG KÍ NHẬN TIN

Các bài viết từ chuyên gia, sự kiện sắp diễn ra, kiến thức làm cha mẹ...