Hành trình mở khóa tiềm năng
Trẻ con là một thế giới vô cùng thú vị, và ở một chừng mực nào đó, tôi nghĩ tôi đã tìm được những chiếc chìa khóa của những cánh cửa dẫn vào những khu vườn bí mật của những đứa trẻ quanh tôi.
Chia sẻ của Thạc Sỹ Ngô Thanh Giang
Nhà sáng lập – BEEs’Education
Tôi nghĩ về những đứa trẻ đã đi qua cuộc sống của mình, và tận hưởng cảm giác hài lòng với những điều đã và đang diễn ra… Trẻ con là một thế giới vô cùng thú vị, và ở một chừng mực nào đó, tôi nghĩ tôi đã tìm được những chiếc chìa khóa của những cánh cửa dẫn vào những khu vườn bí mật của những đứa trẻ quanh tôi.
Làm mầm non đã là một hành trình khám phá rất tuyệt vời, nhưng quả thật, khi theo chúng lên tiểu học, tôi còn cảm thấy càng ngày càng thú vị và lôi cuốn. Trực tiếp quan sát đứa trẻ lớn lên từ giai đoạn infancy (sơ sinh) cho đến từng ngày chúng trưởng thành trong trường tiểu học, tôi cảm thấy tầm nhìn của mình dài ra, và các chi tiết rời rạc được chắp nối và giống như những miếng xếp hình, những hiểu biết của tôi về lũ trẻ con càng được hoàn thiện, càng đi sâu hơn, càng mở rộng hơn. Tôi viết lại những điều mình quan sát và tổng hợp được, hi vọng sẽ giúp ích được cho ai đó khi mở khóa tiềm năng cho một đứa trẻ.
Có phải mỗi đứa trẻ đều có một tiềm năng không? Đúng là như thế. Mỗi một đứa trẻ đều có những tiềm năng đặc biệt, chỉ là khác nhau ở mức độ và tầm vóc thôi. Hãy thử tưởng tượng, món quà của bạn càng quý giá thì nó càng đắt. Đắt ở đây không phải là bạn phải bỏ ra rất nhiều tiền, mà nó đòi hỏi những thứ quý hơn cả tiền của bạn để có thể giúp con mình sở hữu chúng. Những thứ đắt hơn tiền đó là thời gian, sự hiểu biết, lòng kiên trì, và niềm tin. Tôi viết điều này bởi những người mẹ, những người bạn của tôi, những người đang có những cái nhìn lờ mờ nhưng đủ nhận ra tiềm năng của con mình, cũng đã từng bị bối rối vì những nỗ lực “đắt hơn tiền” họ phải bỏ ra mà mãi vẫn chưa giải quyết được vấn đề khó của con mình trong suốt quá trình con đi học. Bạn sẽ cảm thấy khó chịu, bực tức, bạn sẽ phàn nàn về việc vì sao mãi mà trường, cô giáo, không giải quyết vấn đề nổi cho con tôi. Nhưng bạn ạ, mọi thứ cần thời gian, món quà quý giá sẽ lại càng thách thức. Nhưng nếu bạn kiên trì đủ, tin đủ, hiểu biết đủ và dành đủ thời gian cho nó, bạn sẽ có cách mở khóa tiềm năng cho con mình. ^^ nhưng vấn đề là bạn không biết bao giờ thì mới đủ ^^.
Sẽ phải mất đến hàng chục năm để con bạn vượt qua những thách thức đầu đời và sẵn sàng bộc lộ năng lực của chúng ở thời điểm phù hợp, trong môi trường phù hợp. Trong hàng chục năm đó, năng lực của chúng yếu ớt như chính thể trạng của chúng vậy, và một sự tác động không khoa học, thiếu cân nhắc, thiếu hiểu biết, thiếu suy nghĩ cũng có thể làm tổn thương năng lực đó hoặc xóa sạch nó khỏi đứa trẻ.
Tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn một vài học thuyết, cố gắng kết nối chúng lại với nhau và đưa ra các câu hỏi ngược từ thực tế kinh nghiệm của bản thân để tìm cách lý giải nó. Tôi phát hiện ra rằng có một giai đoạn extreme fragile của đứa trẻ, khi mà các tác động bên ngoài để lại những ảnh hưởng mang tính quyết định về việc khơi dậy tiềm năng hay hoàn toàn disable nó. Giai đoạn này là giai đoạn vật lộn của đứa trẻ, khó khăn vô cùng, đứa trẻ học cách sống cùng với những thứ đặc biệt mà nó có và lại phải vật lộn với những tác động từ thế giới ép chúng vào khuôn khổ cho giống những đứa trẻ khác, hoặc ở trong những trạng thái chống lại nhu cầu bản năng và tiềm năng của chúng. Giai đoạn này quyết định việc con bạn có còn bảo lưu được tiềm năng chúng có khi ra đời hay không.
Một số học sinh của tôi đã bảo vệ được tiềm năng đó. Qua 6 tuổi, là lúc các tiềm năng trỗi dậy mạnh mẽ, nhưng cũng chưa đủ mạnh để không bị tiêu diệt trong những môi trường tiêu cực. Hãy nhìn xã hội của chúng ta, bạn sẽ hiểu rằng, chỉ có cha mẹ, là người duy nhất có thể đưa ra những quyết định hỗ trợ cho tiềm năng của con. Có điều, không phải ai cũng biết cách đưa ra những quyết định đúng cho con mình
(to be continued…)