Xuân, hạ, thu, đông…rồi lại xuân
Đi qua những rét mướt của mùa đông là tới mùa xuân nắng ấm. Đi qua những xù xì, cong thẳng, ảm đạm của mùa đông tới những dịu dàng, mềm mại và sặc sỡ của mùa xuân. Khi rét mướt đi qua, những chú ong nhỏ chủ yếu hoạt động với các giờ học trong nhà thì giờ đây, chúng tung tăng trong công viên, trên tầng thượng để xem hoa lá trổ bông, ươm mầm cây mới, đón nắng ấm về. Và rồi tình bạn cũng nảy sinh từ đấy.
Một buổi sáng mùa xuân có nắng, cô và cả lớp lên tầng thượng trồng cây. Màu cam của cà rốt được những bàn tay nhỏ xinh vùi xuống lớp đất nâu xôm xốp. Cô bé nọ mới vào lớp từ hôm kia vụng về hòa nhập cùng các bạn. Thấy vậy, cô bé tóc xoăn ngồi ngay cạnh liền nhanh nhẹn đề nghị xắn tay áo cho bạn. Nụ cười tươi rói cộng với giọng nói đầy sôi nổi khiến người bạn mới mở lòng đưa tay ra. Giờ học hôm ấy có thật nhiều nụ cười lấp lánh.
Xuân về nghĩa là Tết cũng đang đợi ở cửa của mỗi nhà. Tết là một vị khách rất thanh lịch và đáng yêu đối với mỗi đứa trẻ. Khi vị khách đáng mến này bước vào nhà, chúng được mặc quần áo mới, được lì xì mừng tuổi mới, được ăn biết bao nhiêu là món ăn ngon do mẹ đứng bếp nấu. Nhưng chúng lại chỉ đứng ở phía cửa nhìn vào và quan sát mọi công việc. Nếu có “thiện chí” giúp đỡ sẽ ngay lập tức bị gạt đi và bị coi là nghịch ngợm.
Ở trường, những ngày này, trẻ con được tham gia vào các công việc chuẩn bị cho ngày tết thông qua các giờ học. Nào là đồ xôi gấc, nào là đi chợ “chọn” quất với đào, nào là gói bánh chưng, cắm hoa, thậm chí chưng cất nước hoa. Nấu xôi gấc, chúng được dùng thứ gạo nếp trắng, mang mùi thơm rất đặc trưng cho vào chậu ngâm. Quả gấc đỏ được bổ làm đôi, lấy hạt bỏ vào bát. Chúng thích thú xoa tay vào thứ hạt màu đỏ mát mát tay và có mùi lạ lạ mà không phải đứa trẻ thành phố nào cũng được thưởng thức. Xôi được đồ lên, bốc khói thơm nghi ngút, chúng bỏ vào chiếc bát nhựa, phủ một lớp giấy bóng cho khỏi bụi khi đi đường mang về cùng thưởng thức với gia đình.
Đấy là công việc của các anh chị lớn 4 – 6 tuổi. Còn các em bé hơn thì tranh thủ đi chợ chọn hoa về để cắm. Cắm hoa trong mỗi đứa trẻ là việc cầm cái kéo, cắt đi cắt lại cành hoa rồi gài vào miếng xốp ướt sũng nước. Chúng thích thú, đăm chiêu, nâng niu từng cành hoa một bởi chúng sợ là làm mạnh tay thì bạn hoa sẽ sợ, không mặc váy đẹp cho xem nữa.
Qua hết những ngày mưa của tháng 1 với những hoạt động trong nhà, đến khi trời nắng ráo, nhiệt độ nhỉnh lên một tí, chúng đi ra ngoài công viên chơi. Vừa bước qua cổng, lũ trẻ như một đàn chim sổ lồng, chạy tung tăng, hớn ha hớn hở như thấy được món đồ mà mình đã ao ước từ lâu. Công viên mùa xuân còn lại vài xác lá khô dưới gốc cây, hoa cỏ cũng khoác một màu áo mới. Chỗ kia, mùa đông vừa rồi là màu tím của hoa cúc nhật nay thay bằng màu đỏ, màu vàng tươi của hoa thược dược.
Các em bé được đi công viên còn các anh chị lớn thì đi “chọn” quất với đào. Làng hoa ngày giáp Tết tất bật và sặc sỡ sắc màu. Đường vào vườn quất rộng thênh thang. Lũ trẻ thi nhau hít hà vị thơm từ lá, từ vỏ quất bằng cách dí sát mũi vào chúng. Rồi rất nhanh chóng, chúng phát hiện ra những quả quất bị rụng xung quanh, thế là có thứ để chơi, để khám phá. Chúng cầm cành cây nhặt dưới đất xuyên qua những quả quất rồi nhìn ngắm với vẻ đầy thích thú.
Sang tới vườn đào, chúng được dặn dò là phải cẩn thận hơn để không làm gẫy cành của bác chủ vườn. Do vậy, các hoạt động bị thu hẹp hơn chỉ dừng lại việc ngắm xem hoa đào như thế nào, cành lá ra sao và có những loại đào gì. Chúng thích thú sờ vào vỏ cây xù xì của đào khác hẳn với sờ vào gốc cây đầy rêu mát mát tay của cây quất. Mọi thứ được nảy sinh từ những sự khác biệt như thế.
Rồi những ngày Tết dần đến gần hơn, ông Công ông Táo cũng sắp về trời báo cáo thành tích cả năm với Thiên Hoàng. Còn lũ trẻ sẽ được trải nghiệm việc gói bánh trưng qua những bước nhỏ nhất từ việc ngâm đỗ, ngâm gạo, ướp thịt. Rồi chúng sẽ biết phải trải lá như thế nào, cho cái gì trước, cái gì sau, gói lá ra sao. Những bàn tay nhỏ thì làm bánh nhỏ thôi, miễn là ai cũng có một cái để mang về đặt lên bàn thờ tổ tiên. Vậy là chúng đã tham gia cả một quá trình chuẩn bị cho Tết rồi.
Vậy là cũng hết một năm. Một năm bắt đầu từ mùa xuân, trải qua cái nắng nóng oi bức của mùa hạ đến cái mát mẻ của mùa thu rồi lại phải chịu đựng cái lạnh buốt của mùa đông. Nhưng khi qua cái mùa lạnh buốt ấy, mùa xuân lại mang nắng ấm tới. Và lũ trẻ lại mang cả một lô lốc những điều mới mẻ về nhà quanh mâm cơm đoàn tụ cả gia đình. Mỗi năm, chúng lại lớn hơn và đó là thành quả của cả năm đợi chờ 365 ngày đã đi qua.